Chứng khoán phái sinh: Giao dịch thăm dò

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi lao dốc trong phiên cuối tuần qua, động lượng của chỉ số VN30-Index hướng trở lại vùng hỗ trợ gần nhất là 1.400 - 1.420 điểm. Do đó, chiến lược phù hợp cho những phiên đầu tuần mới là giải ngân thăm dò.
Chứng khoán phái sinh: Giao dịch thăm dò

Lực bán của khối ngoại có tác động đáng kể

Như dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trên sàn HOSE, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần qua lên đến 5.666 tỷ đồng. Do đó, dù khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng nhẹ, nhưng cuối cùng chỉ số thị trường cũng đã sập khỏi nền tích lũy và đóng cửa tuần trong trạng thái tiêu cực.

Giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài (Đơn vị tỷ đồng).

Giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài (Đơn vị tỷ đồng).

Các yếu tố thúc đẩy hành động rút vốn của khối ngoại vẫn chưa có sự cải thiện. Thị trường chứng khoán châu Á chìm sâu vào xu hướng điều chỉnh cả ngắn và trung hạn. Chỉ số US Dollar Index (DXY) hoàn thành mẫu hình hai đáy và hướng về vùng kháng cự tiếp theo tại 97 - 98.

Bên cạnh đó, khối ngoại tham gia bán ròng hơn 2.000 hợp đồng VN30F2109 chỉ trong phiên cuối tuần. Áp lực đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài dự kiến vẫn còn trong thời gian tới.

Bức tường thành 1.500 điểm của VN30-Index

Thị trường vừa chứng kiến phiên giao dịch có hợp đồng phái sinh đáo hạn đầy kịch tính (VN30F1M - hợp đồng kỳ hạn 1 tháng, cụ thể là mã VN30F2108), cổ phiếu VIC tăng giá trần vào cuối phiên giúp bên nắm giữ vị thế mua mua có kỳ đáo hạn thành công.

Thế nhưng, một lần nữa, thị trường lại “đầu hàng” ở ngưỡng kháng cự, bởi sự thiếu dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ. Mốc 1.500 điểm của VN30-Index là bức tường thành khó có thể công phá nếu thiếu vắng “khẩu thần công” ngân hàng.

Diễn biến chỉ số VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến chỉ số VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Các diễn biến trên nằm trong tính toán của bài viết tuần trước. Động lượng chỉ số lúc này hướng trở lại vùng hỗ trợ gần nhất là 1.400 - 1.420 điểm, dư địa tâm lý vẫn tiêu cực khi chênh lệch giữa VN30F1M và VN30-Index chuyển sang âm trên 5 điểm. Do đó, chiến lược phù hợp là giải ngân thăm dò cho vị thế mua, chỉ tăng tỷ trọng nếu chỉ số vượt qua 1.465 điểm.

Quan sát phản ứng của đà rơi

Do đà rơi xảy ra vào cuối phiên, lực cầu chưa giúp cho hợp đồng VN30F1M tạo dựng được mẫu hình hay tín hiệu đảo chiều đáng kể. Trên khung đồ thị 15 phút, giá mới tạo một đáy duy nhất, với khối lượng giao dịch tăng dần.

VN30F1M đang có vùng hỗ trợ quanh 1.420 điểm.

VN30F1M đang có vùng hỗ trợ quanh 1.420 điểm.

Có thể thấy, xu hướng tăng không mạnh khi giá chưa thể vượt qua mốc 1.500 điểm, nhưng xu hướng giảm cũng chưa rõ ràng khi vùng hỗ trợ 1.420 điểm tạm thời được giữ vững.

Do đó, chiến lược “giao dịch theo xu hướng” là duy trì quan sát, bởi thị trường chưa có xu hướng để giao dịch.

Đối với chiến lược “giao dịch ngắn hạn”, duy trì quan điểm giao dịch trong biên độ. Chỉ mở lệnh mua thăm dò với tỷ trọng nhỏ trong khu vực 1.430 - 1.450 điểm, cắt lỗ nếu giá xuyên thủng qua 1.410 điểm và tăng tỷ trọng trong trường hợp giá vượt qua mốc kháng cự 1.465 điểm.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Người viết tuân thủ kế hoạch, chốt lời khi giá áp sát về kháng cự 1.500 điểm và bắt đầu mở vị thế mua thăm dò khi đà giảm chững lại quanh vùng hỗ trợ 1.430 - 1.440 điểm.

Mục tiêu cho tuần mới là quản trị rủi ro rồi mới nghĩ tới lợi nhuận. Lý do đơn giản là khó khăn chưa thực sự trôi qua với thị trường chứng khoán Việt Nam: khối ngoại liên tục bán ròng, xuất hiện thông tin tiêu cực, mẫu hình kỹ thuật thiếu chắc chắn. Cách quản trị rủi ro đơn giản, hiệu quả chính là giao dịch với tỷ trọng nhỏ.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ