Chứng khoán phái sinh: Dòng tiền lớn tham gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay khi tín hiệu đảo chiều xuất hiện, dòng tiền tăng trưởng đột phá và lan tỏa tâm lý tích cực đến các vị thế đang đứng ngoài quan sát.
Chứng khoán phái sinh: Dòng tiền lớn tham gia

Mức giá chiết khấu sâu kích hoạt dòng tiền

Thị trường chứng khoán toàn cầu bước vào giai đoạn cuối năm với sự hào hứng và tích cực bất ngờ đến từ bộ chỉ số lớn cũng như yếu tố hưng phấn của dòng tiền mua lên. Có thể khởi nguồn là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi quan điểm điều tiết chính sách tiền tệ siết chặt, giúp nhà đầu tư cá nhân quay trở lại. Nhưng lý do trực tiếp đến từ việc rất nhiều cổ phiếu đã bị chiết khấu sâu trong thời gian dài trước đó, nay trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, đặt trong bối cảnh các tài sản rủi ro như tiền điện tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ một số sàn giao dịch quy mô toàn cầu phá sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Với thị trường Việt Nam, việc thoát khỏi gánh nặng từ các phiên giảm sàn của bộ 3 cổ phiếu NVL, PDR và HPX cho thấy những điều tiêu cực nhất đã qua. Hiện tại, chỉ số đang trên đà đuổi kịp pha “phục hồi” từ liên thị trường.

Điểm nhấn về vận động tài sản vẫn đến từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt SP&500, phản ứng đúng với sự chuyển dịch của dòng tiền lớn. Chi tiết hơn, lãi suất trái phiếu Mỹ chuẩn bị bước vào vùng “suy thoái”, phản ánh trạng thái kỳ vọng Fed sẽ sớm thay đổi quan điểm lãi suất đã “bóp nghẹt” thị trường trong năm nay. Nhìn về thị trường châu Á, đà tăng từ chỉ số Shanghai đang bám đuổi nhịp phục hồi với kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc bơm tiền hỗ trợ, đặc biệt là nhắm vào nhóm ngành bất động sản.

Đối với thị trường Việt Nam, phiên giao dịch cuối tuần qua tăng giá thuyết phục, nhưng việc giá phục hồi chưa thể hiện rõ qua vận động giá. Nói cách khác, dư địa tăng trưởng của chỉ số vẫn còn, mang đến kỳ vọng tăng điểm trong các phiên tiếp theo.

VN30 bứt phá vùng cản

Trong khi thị trường quốc tế với chỉ số SP&500 chính thức vượt qua kênh cản kháng cự trung hạn, thì VN30 bắt đầu bước vào vùng “thử thách”.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Theo phân tích kỹ thuật VN30, trạng thái tăng bứt phá hình thành ngay sau khi giá vượt cản kháng cự kênh giảm quan trọng. Thực tế điều này có được là nhờ việc thị trường bị dồn nén trong một thời gian dài. Ngay khi tín hiệu đảo chiều xuất hiện, dòng tiền tăng trưởng đột phá và tạo yếu tố lan tỏa tâm lý tích cực đến với các vị thế đang đứng ngoài quan sát.

Đặc biệt, nhịp tăng trưởng của dòng tiền tuần qua khá đồng dạng. Nói cách khác, lượng thanh khoản đang phân bổ cho số lượng giới hạn vị thế tham gia và hầu như đến từ dòng tiền lớn, thay vì yếu tố mua “nhiệt tình” của nhóm vị thế cá nhân. Dòng tiền bắt đáy cổ phiếu NVL và PDR chính là yếu tố giúp thanh khoản và cũng như đà tăng của VN30 bứt phá. Điều này không hẳn là tiêu cực, nhưng yếu tố lan tỏa tâm lý là cần thiết để có thể duy trì trạng thái tăng.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Bùng nổ theo đà

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 12/2022 tiếp tục đi vào lịch sử với biến động giá. Cuối tuần qua là phiên giao dịch tăng trần thứ hai của chỉ số này chỉ trong một vài tuần.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Mẫu hình giá hình thành với hợp đồng phái sinh gần nhất mang tính đảo chiều xu hướng. Cụ thể, giá tạo vùng đáy 2 sâu gần nền 850 trước khi rút chân mẫu hình nến và phục hồi mạnh về ngưỡng hỗ trợ từ Fibonacci 38,2%, tương đương vùng giá 930.

Cơ hội mua thật sự xuất hiện khi giá vượt cản đỉnh cũ 975 và thời điểm này, gần như dòng tiền đứng ngoài bị thuyết phục và nhanh chóng tham gia vị thế mua (Long). Tín hiệu được thể hiện rõ qua việc đường chỉ báo RSI xác nhận xu hướng phục hồi và tăng trưởng đi cùng với đà tăng của giá.

Nhưng rõ ràng, để đạt trạng thái tăng trần phiên cuối tuần không thể thiếu sự tham gia của bên bán (Short). Chính việc kỳ vọng chỉ báo RSI tăng quá mạnh và bắt đầu phân kỳ âm với vận động xu hướng, kết hợp với xu hướng giảm dài hạn duy trì, bên Short tìm cách đè nén chỉ số khi mức chênh (Basis) với chỉ số cơ sở kéo về mức thấp là âm 20 điểm. Đây chính là thời điểm cho bên Long đẩy mạnh vị thế.

Với việc thị trường kết thúc tuần trong kỳ vọng tăng trưởng, bên Short không còn cách nào khác buộc phải đóng vị thế để quản trị vốn. Cùng với lực mua tăng cường, áp lực đóng vị thế Short trở thành pha đẩy giá tăng trần cho hợp đồng kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M).

Theo đó, quán tính tăng giá được khẳng định rất rõ ràng. Trường hợp giá xuất hiện pha điều chỉnh đầu tuần mới tại vùng 1.070, lệnh Long “bùng nổ theo đà” nên được cân nhắc, với mục tiêu tham vọng là 1.150. Tuy nhiên, với RSI đã lấn sâu vào vùng quá mua, việc quản trị rủi ro là cần thiết, đặc biệt là thời điểm giá điều chỉnh dưới ngưỡng 1.047.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục