Chứng khoán phái sinh: Dấu hiệu “quay xe”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhịp hồi, chỉ số gần như không thay đổi khi đóng cửa trong 2 phiên cuối tuần qua và thanh khoản sụt giảm. Cả bên mua và bên bán đều tỏ ra lưỡng lự, thiếu phương hướng.
Chứng khoán phái sinh: Dấu hiệu “quay xe”

Tâm lý bi quan chưa được giải tỏa

Sau một số phiên phấn khởi vì chỉ số có sắc xanh, tâm lý bi quan lại đè nặng nhà đầu tư toàn cầu khi chỉ số MSCI World kéo dài đà giảm sang tuần thứ 7 liên tiếp, chuỗi giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng dotcom hai thập kỷ trước. Chỉ báo VIX đo lường biến động kỳ vọng của S&P500, còn gọi là chỉ báo đo lường sự sợ hãi của nhà đầu tư, tiệm cận 30 điểm và dao động xung quanh khu vực đỉnh 1 năm.

Cùng với đó, các loại tài sản có tính chỉ báo như lãi suất trái phiếu chính phủ duy trì mặt bằng cao, giá vàng nhích tăng cho thấy sự chuyển dịch dòng tiền về các tài sản phòng thủ, chỉ số US Dollar Index tăng mạnh gây áp lực lên các thị trường chứng khoán cận biên.

Một thước đo khác được đo lường bởi Bloomberg là số lượng bài viết về chủ đề suy thoái trên toàn thế giới đã chạm mốc 20.000, cao hơn hàng chục lần so với thời điểm đầu năm, phản ánh rất rõ tâm lý thận trọng chi phối sự vận động của các loại tài sản.

Số lượng bài viết về chủ đề suy thoái trên thế giới.

Số lượng bài viết về chủ đề suy thoái trên thế giới.

Điểm sáng hiếm hoi của chứng khoán thế giới là chỉ số Shanghai Composite, khi Chính phủ Trung Quốc liên tục bơm các gói cứu trợ vào nền kinh tế với quy mô dự báo lên đến 1/3 GDP để giảm thiểu ảnh hưởng của chính sách “Zero-Covid”.

VN30-Index hồi phục kỹ thuật

Trong tuần qua, nhà đầu tư Việt Nam phản ứng bình thản với một số thông tin tiêu cực như thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong 2 năm, hay thay đổi cơ cấu nhân sự ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Trạng thái tiết cung dần hình thành khi bên bán không còn tham gia quyết liệt, tạo tiền đề giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật.

Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường cơ sở sụt giảm nhanh chóng trong hai ngày cuối tuần, một phần bởi dòng tiền tập trung ở thị trường phái sinh, nhưng phần lớn là do cả bên mua và bên bán đều tỏ ra lưỡng lự, thiếu phương hướng.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Sự phân vân được thể hiện rõ trên đồ thị phân tích kỹ thuật, cây nến khung đồ thị ngày dạng Doji xuất hiện ở 2 trong 3 ngày gần nhất của cả hai chỉ số VN30-Index và VN-Index. Trạng thái hồi kỹ thuật tiết cung có thể kéo dài thêm một số phiên, nhưng ở bức tranh kỹ thuật dài hạn, đường trung bình 50 ngày của VN30-Index cắt xuống dưới đường trung bình 200 ngày và mẫu hình đảo chiều chưa thực sự xuất hiện.

Xu hướng là bạn, các chiến lược mở vị thế bán phái sinh dự kiến có xác suất thành công cao hơn trong tuần giao dịch mới (23 - 29/5).

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh mở vị thế bán

Trên thị trường phái sinh, tâm lý ưu tiên phòng thủ tài khoản bằng vị thế phái sinh cũng được bộc lộ rõ. Số lượng hợp đồng giữ qua đêm của VN30F2206 (VN30F1M, tức hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index kỳ hạn 1 tháng) nhanh chóng tăng lên gần 20.000 hợp đồng chỉ sau một phiên trở thành hợp đồng giao dịch chính, giá trị giao dịch khớp lệnh gấp 3 lần thị trường cơ sở và dần trở thành tài sản giao dịch ưa thích của nhà đầu tư.

Chỉ số VN30-Index đang “lưỡng lự”.

Chỉ số VN30-Index đang “lưỡng lự”.

Điểm đáng chú ý là độ lệch (spread) dao động mạnh trong phiên, nhưng đóng cửa tuần qua chỉ ở mức 5,7 điểm, do đó duy trì cơ hội để mở vị thế bán mới.

Phương án mở vị thế bán hợp lý cho nhà đầu tư là khi giá thủng khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm, với độ lệch không thấp hơn âm 10 điểm. Khi đó, VN30F1M sẽ tạo tín hiệu gãy khỏi tam giác giá, đồng thời mất trạng thái hồi phục kỹ thuật, nhiều khả năng sẽ hướng trở về vùng hỗ trợ 1.200 điểm để kiểm chứng lực cầu bắt đáy. 1.200 điểm cũng là mốc canh chốt lời, quản trị rủi ro nếu giá vượt hẳn qua 1.290 điểm, đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro là 2:1.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua (16 - 20/5/2022)

Người viết tuân thủ kế hoạch mở lệnh bán tại 1.260 điểm, nhưng phải đóng vị thế khi giá VN30F1M vượt qua mốc 1.280 điểm, với mức thiệt hại 20 điểm. Nhìn chung, đây là mức thiệt hại nhỏ so với lệnh bán thành công trước đó, nhờ lợi thế của việc giao dịch cùng chiều với xu hướng khi lợi nhuận đạt được sẽ lớn và đủ bù đắp cho các lệnh không thành công.

Một lưu ý khác là hợp đồng VN30F2206 có thể sẽ đáo hạn dựa trên phương pháp tính mới (trung bình 30 phút cuối phiên), đây là biến số không cần thiết trong quá trình giao dịch bằng phương pháp phân tích kỹ thuật, vốn dựa nhiều vào sự vận động trong quá khứ của tài sản.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục