Chứng khoán phái sinh: Đà tăng vẫn vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà tăng của thị trường chứng khoán trong tuần cuối năm 2020 vẫn vững vàng, nhiều nhà đầu tư duy trì tâm lý tích cực, kỳ vọng năm mới có thêm những phiên giao dịch trong sắc xanh.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Kinh tế 2020 tăng trưởng vượt dự báo

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%, thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì đây là thành công lớn của Việt Nam, mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới và vượt dự báo của các tổ chức quốc tế.

Cụ thể, giữa tháng 11/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP năm 2020 của Việt Nam tăng 2,4%. Đầu tháng 12/2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam cả năm 2020 tăng 2,3%...

Có thể thấy, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ít nhiều mang đến sự bất ngờ với giới nghiên cứu và quan sát. Mức tăng trưởng vượt dự báo này cùng triển vọng kinh tế tăng mạnh trong năm 2021 sẽ củng cố đà đi lên của thị trường chứng khoán.

Khối ngoại tăng mua ETF

Tháng 12/2020 chứng kiến sức hút mạnh mẽ của sản phẩm ETF, đặc biệt là các chứng chỉ quỹ được niêm yết ở nước ngoài, với giá trị mua ròng 65,5 triệu USD. Trong đó, sự trở lại mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với chứng chỉ quỹ FTSE ETF là diễn biến đáng chú ý nhất khi giá trị mua ròng tính riêng tháng 12/2020 đạt 58,2 triệu USD, qua đó kết thúc năm 2020 bằng cú “lội ngược dòng”, mua ròng gần 50 triệu USD.

Giá trị mua bán ròng trên quỹ ETF ngoại.

Giá trị mua bán ròng trên quỹ ETF ngoại.

Tuy nhiên, thống kê mua bán trên các ETF ngoại trong năm qua vẫn là bán ròng (15 triệu USD), chủ yếu bán ròng vào 2 quý đầu năm do ảnh hưởng của Covid-19, còn xu hướng gần đây là mua ròng trở lại.

Tính tổng hoạt động mua bán ròng trong cả năm 2020, khối ngoại mua ròng gần 180 triệu USD khi các ETF nội là tâm điểm hút vốn, đặc biệt là 2 chứng chỉ quỹ ETF mới niêm yết là VN Diamond (mua ròng 161 triệu USD) và VN Finlead (mua ròng 27,8 triệu USD).

Động thái mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn cuối năm 2020 có thể là một chỉ dẫn cho thấy sự kỳ vọng của giới đầu tư quốc tế về triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021.

Tâm lý chung vẫn tích cực

Thị trường tuần cuối năm 2020 giao dịch cầm chừng, sự biến động không quá mạnh, bên cầm cổ phiếu tranh thủ các nhịp tăng để cơ cấu lại danh mục, còn bên cầm tiền tranh thủ “nhập hàng” trong các nhịp điều chỉnh vì sợ bỏ lỡ cơ hội, không có điểm mua “đẹp” vào đầu năm mới.

Tâm thế chung vẫn được xem là tích cực, ủng hộ cho đà tăng của thị trường chứng khoán, nhất là khi độ lệch giữa phái sinh và cơ sở liên tục duy trì quanh mức 10 điểm, cho dù thị trường chung xuất hiện các nhịp rung lắc.

Thông tin về tình hình kinh tế quý IV/2020 khả quan cùng hoạt động mua ròng liên tục của khối ngoại trên ETF và khối tự doanh công ty chứng khoán là những sự chỉ dẫn lạc quan cho năm 2021.

Ngoài ra, điểm rơi thông tin quan trọng trong tuần mới là ngày 4/1/2021 sẽ áp dụng đơn vị giao dịch lô chẵn là 100 cổ phiếu, thay cho đơn vị 10 cổ phiếu. Theo đó, nâng lô giao dịch kỳ vọng sẽ giúp giảm 18% lệnh giao dịch trên thị trường, trong quá trình chờ hệ thống mới.

Đây có thể được xem là thông tin tích cực giải quyết nút thắt về mặt thanh khoản cho thị trường khi thời gian qua có những thời điểm hệ thống giao dịch bị chậm mỗi khi thanh khoản tăng cao.

Diễn biến VN30F, VN30 và mức chênh lệch giá,

Diễn biến VN30F, VN30 và mức chênh lệch giá,

Trên sàn phái sinh, chiến lược giao dịch trong ngắn hạn (tầm nhìn trong tuần này) có khả năng thành công cao là canh mua trong các nhịp giá chùng xuống khu vực hỗ trợ ngắn hạn với mức độ điều chỉnh trong khoảng 10 - 15 điểm. Ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho chỉ số VN30F1M là 1.065 - 1.070 điểm.

Chiến lược giao dịch trong trung hạn nên duy trì quan điểm canh mua khi dư địa tăng được kỳ vọng vẫn còn. Dời mức quản trị rủi ro từ 1.000 điểm lên mức 1.020 điểm.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Tuần qua, biến động giá không lớn so với tuần trước đó, nhưng thị trường vẫn tạo ra được cơ hội để nhà đầu tư mở vị thế mua. Nhịp hồi phục cũng như sự chững lại cần thiết của giá quanh khu vực 1.060 – 1.070 điểm đã mở ra cơ hội mới.

Nhật ký giao dịch VN30F2101 tuần qua.

Nhật ký giao dịch VN30F2101 tuần qua.

Diễn biến giá sau đó lình xình là điều dễ hiểu ở những ngày giao dịch cuối năm. Vị thế mua được duy trì và đặt quản trị rủi ro tại ngưỡng 1.065 điểm.

Điểm trừ lớn nhất cho vị thế mua chính là việc độ lệch giữa phái sinh và cơ sở vênh lớn (xấp xỉ 10 điểm). Tuy nhiên, với tâm thế kỳ vọng tích cực và chỉ số cơ sở vẫn còn triển vọng tăng thì việc đặt cược cho sự bùng nổ diễn ra vào đầu năm mới là một sự lựa chọn khả thi.

Vị thế mua trong trung hạn vẫn được duy trì, mức quản trị rủi ro được nâng lên tại 1.020 điểm. Đà tăng trong năm 2020 khỏe tới mức các nhịp rung lắc chưa đủ để vi phạm các mốc quản trị rủi ro đã xác định trước.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục