Lo ngại về lạm phát và tăng lãi suất từ Fed
Trạng thái tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện trong tuần qua khi các thị trường lớn không còn chứng kiến áp lực bán áp đảo như trước đó. Đồng thời, các tài sản rủi ro cũng bắt đầu có lực mua mới xuất hiện khi được chiết khấu về mức hấp dẫn như cổ phiếu vốn hóa lớn hay nhóm cổ phiếu rủi ro như công nghệ.
Động lực tăng trưởng cho thị trường chung lần này đến từ nhóm thị trường châu Á với câu chuyện nới lỏng giãn cách xã hội sau khi kiểm soát được tình hình Covid-19. Nhìn về mặt kỹ thuật dòng tiền, các chỉ số từ thị trường quan trọng như Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc), Nikkei (Nhật Bản) đều xác lập nền đáy ngắn hạn.
Đồ thị vận động các thị trường quan trọng. |
Nhưng nỗ lực tăng trưởng giá từ các chỉ số dẫn dắt này đang bị chặn lại bởi những thông tin mới nhất về lạm phát trong tháng 5/2022. Thực tế, vấn đề tăng giá nhiên liệu với giá dầu thô luôn duy trì ở ngưỡng trên 120 USD/thùng khiến chi phí sản xuất tăng mạnh và đẩy chi phí tiêu dùng lên cao.
Trong khi đó, việc nhu cầu tiêu thụ mới chỉ phục hồi kể từ cuối năm 2021 khiến cho thị trường rơi vào nguy cơ đình lạm.
Với nguy cơ này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải hành động siết lãi mạnh tay hơn và tác động tiêu cực đến thị trường ngắn hạn. Qua đó, các yếu tố trở thành gánh nặng cho tâm lý nhà đầu tư, tạo áp lực thoát hàng cơ sở trong phiên giao dịch cuối tuần.
Nhìn chung, áp lực này khiến cho thị trường Việt Nam đánh mất thành quả phục hồi trong tuần và quay lại trạng thái dao động không mang xu hướng. Về yếu tố chu kỳ,
VN-Index vẫn trong khu vực giảm mạnh. Nhưng đây cũng là hiện tượng chung của hầu hết các chỉ số chứng khoán trên thế giới trước câu chuyện vĩ mô tiêu cực đang diễn ra.
VN30 gặp kháng cự mạnh, có lực cầu hỗ trợ
Dòng tiền xoay vòng nhanh khi lần lượt kéo nhóm dầu khí, ngân hàng, thép, chứng khoán đi lên, cho thấy nhóm cổ phiếu trụ thuộc VN30 cũng đã có cố gắng đáng kể để giữ trạng thái cân bằng. Tín hiệu tích cực cũng xuất hiện khi đồ thị nến xuất hiện mẫu hình Doji đảo chiều tăng, tạo pha “rũ bỏ” quan trọng và bật tăng khá thuyết phục cho phiên sau đó.
Vùng cản 1.358 – 1.360 điểm từ VN30 được gia cố. |
Nhưng khi phần lớn vị thế đầu tư vẫn đứng ngoài cuộc, thì việc chỉ số tăng trưởng “đơn độc” trong thời điểm này là điều khó diễn ra. Đây cũng là lý do khiến cho vùng cản kháng cự quan trọng 1.358 - 1.360 điểm từ VN30-Index được gia cố thành công và tiếp tục đóng vai trò là thử thách thị trường trong tuần lễ tiếp theo.
Với một góc nhìn rộng hơn, thực tế thị trường không rơi vào trạng thái tiêu cực khi nhịp phục hồi kỹ thuật từ giữa tháng 5/2022 đang chuyển thành trạng thái tích lũy lành mạnh. Liệu xu hướng mới có sớm được thiết lập? Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng của dòng tiền khi bước sang tuần lễ đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F2206, cũng như là trạng thái đảo danh mục từ quỹ ETFs. Hai diễn biến này sẽ ít nhiều mang lại rủi ro biến động giá cho chỉ số.
Khuyến nghị: “Cẩn trọng quan sát và bám theo xu hướng mới”
Tình trạng biến động nhanh với biên giá rộng ghi nhận trong hầu hết các phiên giao dịch từ chỉ số VN30F2206 trong tuần qua. Trong khi xu hướng chưa thể xác định, thì tỷ lệ rủi ro giao dịch lên mức rất cao với việc nhà đầu tư dù ở vị thế Long hay Short cũng đều không có được thành quả đáng kể.
Đồ thị VN30F1M, cung giờ 1h. |
Với vận động từ chỉ số chính là VN30 xác nhận cả kháng cự và hỗ trợ đều có phản ứng tốt từ dòng tiền, việc biến động giá của hợp đồng phái sinh tuần này kỳ vọng sẽ “khắc nghiệt” và hấp dẫn. Khi một trong hai phe Mua và Bán giành được phần thắng, xu hướng mới sẽ hình thành.
Theo đó, nên ưu tiên quan sát và chỉ nên hành động khi chạm ngưỡng kháng cự và hỗ trợ quan trọng. Cụ thể, vùng hỗ trợ được xác nhận tại 1.300 điểm, trong khi kháng cự là nền giá cao nhất hợp đồng đạt được trong tuần qua là 1.330 điểm.
Nhìn về yếu tố chỉ báo, kịch bản Mua giá thấp, sát vùng 1.300 điểm được ủng hộ. Mức vênh Basics gần -15 điểm cho thấy phe Mua ít nhiều có lợi thế về mặt thời gian khi giá thấp hơn VN30 trong tuần đáo hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng cũng cho thấy phe Bán đã dùng hết dư địa của mình trong áp lực bán phiên cuối tuần, do vậy, xác suất để lực bán gia tăng sẽ không quá nhiều.
Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực xuất hiện, việc giá thủng nền 1.300 điểm trở thành điểm xoay chiều quan trọng khi kéo dài xu hướng điều chỉnh. Theo đó, có thể mở lệnh Bán theo xu hướng mới này với mục tiêu 1.250 điểm là mức hỗ trợ tiếp theo cho chỉ số.