Chứng khoán “nhà nghèo” và quyền lực của lãi suất

(ĐTCK) Sau niềm hân hoan năm 2017 và hưng phấn thêm ba tháng đầu năm 2018 để đạt đỉnh 1.204 điểm vào đầu tháng 4/2018, chứng khoán Việt Nam lại rơi vào tình trạng “biếng ăn”, giá rớt dài. Năm 2018, thị trường chứng khoán khép lại với kết quả kém vui. 
Chứng khoán “nhà nghèo” và quyền lực của lãi suất

Không chỉ kém vui, đối với nhiều người đó còn là kết quả bất ngờ. Vì trong một cuộc họp chuyên ngành tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hồi đầu năm 2018 có mặt nhiều chuyên gia, hầu hết họ đều cho rằng thị trường 2017 đã bật sáng thì 2018 kỳ vọng sẽ sáng tốt. Vâng, vào thời điểm giao dịch đang “cháy hết mình” (90 ngày tăng hơn 22%) thì lạc quan là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, cái bẫy giá (bull trap) lần nữa đã đánh lừa nhiều người. Xin chúc mừng những ai đã kịp dừng lại và chia sẻ với người không may.

Là định chế có đặc điểm không hoàn thiện, thị trường chứng khoán xuất hiện đủ các mặt rất đời, nhưng đó lại chính là chất men tạo độ say cho thị trường. Nếu các biến động “vô lý”, ở đó nay may mắn mai lại rủi ro, làm cho người này vui, kẻ kia buồn, thì đó không là bản chất, không đại diện cho toàn cảnh kinh tế chứng khoán. Đó chỉ như mảng đời thường được bê lên bảng điện.

Có điều, các biểu hiện hỷ, nộ, ái, ố ở đó là thứ dễ bị phê bình, bị nhìn nhận thiên lệch, lại rất dễ lây lan, không có lợi cho việc phát triển thị trường. Điều này có thể làm lu mờ công lớn của thị trường chứng khoán, vốn là hạ tầng mặc định liên hệ đến nhiều ngóc ngách kinh tế. Thử đứng ở góc độ lãi suất để quan sát xem có phải vậy? 

Quyền lực của lãi suất

Bất kể là cao hay thấp, lên hay xuống, lãi suất đeo bám tất cả chúng ta và nhiều khi đó còn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Lãi suất vậy chẳng có gì mới lạ. Nhưng điều có lẽ ít người nghĩ tới, là nếu không có thị trường chứng khoán thì sẽ không có lãi suất thị trường. Lúc đó khái niệm “tiền” sẽ hạn hẹp...

Là mạch đập của nền kinh tế, lãi suất thị trường ẩn sinh trong thị trường tiền tệ. Thị trường tiền tệ là một phân khúc của thị trường chứng khoán, giao dịch các chứng khoán ngắn hạn, loại như tiền. Bối cảnh lưu hành loại tiền này đan xen giữa ngân hàng, chính phủ, doanh nghiệp và đại chúng. Cung cầu thay đổi liên tục làm cho giá của chúng thay đổi.

Và cái gọi là lãi suất thị trường là tập hợp các giá đó. Như vậy, lãi suất thị trường không là một lãi suất duy nhất mà (cần hiểu) đó là một tập hợp lãi suất (interest rates). Tập hợp giá các sản phẩm tiền tệ đó ảnh hưởng đến động thái “tiêu tiền” của tất cả và các quyết định vĩ mô liên quan đến lãi suất. Dễ thấy nhất là việc điều tiết lãi suất chủ chốt của ngân hàng trung ương.

Một thay đổi lãi suất dù rất nhỏ của ngân hàng trung ương có thể làm đảo lộn nhiều toan tính trên thị trường tài chính. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần thứ tư lên 25 điểm cơ bản vào trưa ngày 20/12/2018 khiến thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới chao đảo là ví dụ. Và, do tính liên thông, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 cũng không tránh khỏi sự “tàn phá” đó, mặc dù kinh tế quốc nội tốt và GDP tăng đến 7,08%.

Quyền lực lãi suất cũng thể hiện ở chủ trương hạ nhiệt hay tiếp lửa để duy trì và khuyến khích nhịp độ kinh tế lành mạnh: Khá phức tạp và không kém thách thức là bài toán điều hành lạm phát mục tiêu. Linh hoạt nhưng cân não với biện pháp nới lỏng hay siết chặt tiền tệ, là cách bơm hút tiền thông qua công cụ trái phiếu chính phủ.

Các động tác vĩ mô này vừa có hiệu lực uốn nắn việc “tiêu tiền” nói chung, vừa là chỉ báo chiều hướng thay đổi lãi suất. Lãi suất thay đổi sẽ tác động trực tiếp đến các thị trường tài sản và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong thực hành, không có lãi suất thị trường sẽ không có thị trường trái phiếu. Điều này làm cho nguồn tài chính lớn số một trong nền kinh tế (cả chính phủ và doanh nghiệp) bị khiếm dụng. Tại các thị trường phát triển, giao dịch trái phiếu rất lớn, thu hút rộng rãi người đầu tư. Không có lãi suất thị trường thì hoạt động vay mượn và quan hệ công nợ (kể cả qua ngân hàng) sẽ bị méo mó. Kinh nghiệm phân phối trái phiếu chính phủ, tín dụng và tiết kiệm theo chỉ tiêu thời bao cấp tại Việt Nam là minh họa. 

Chứng khoán “nhà nghèo”

Được khơi dậy mạnh mẽ thông qua thị trường chứng khoán, nguồn lực đại chúng đã chứng tỏ hiệu quả đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Sự nở rộ các công ty ngàn tỷ nhiều năm qua với con số hơn hai triệu nhà đầu tư cá nhân trong nước (tính đến cuối năm 2018) đã thể hiện rõ dấu ấn đại chúng. Tuy con số nhà đầu tư lớn dần lên mỗi năm, sân chơi đại chúng lại được xem là chưa mở rộng, cả về phương diện chủng loại và phẩm cấp sản phẩm, lẫn việc thu hút đa dạng nguồn lực trong dân, số đông người có yêu cầu đầu tư khác nhau. 

Năm 1998, trong một dịp gặp gỡ với anh Lê Văn Châu, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại Sài Gòn, anh có nói một ý làm tôi nhớ mãi: “Dân xứ mình còn nghèo nên việc xây dựng thị trường thế nào thì cũng không thể quên điều này”…

fig come hereCửa nào để người ít tiền đầu tư vào chứng khoán? Có nhiều, nhưng còn ẩn khuất, do cửa chưa mở rộng, chưa quan tâm sâu hay bị cản ngại bởi bức tường tâm lý.Chuyên gia Huy Nam

Thú thật, ngay lúc đó tôi không hiểu hết ý anh, nhưng về sau khi càng nhiều cổ phiếu tốt trên thị trường chứng khoán cho kết quả đầu tư giá trị vượt trội so với gửi tiết kiệm, tôi thấy câu nói gói ghém tâm tư của anh Châu rất chí lý. Các chứng khoán thuộc mảng giá trị này rất phù hợp với “nhà nghèo”, nhưng không riêng cho nhà nghèo…

Cái nghèo nói ở đây không là nghèo cơm gạo mà có thể khái quát là không giàu hay ít tiền. Vậy cửa nào để người ít tiền đầu tư vào chứng khoán? Có nhiều, nhưng còn ẩn khuất, do cửa chưa mở rộng, chưa quan tâm sâu hay bị cản ngại bởi bức tường tâm lý. Người có vài trăm triệu hoặc vài chục triệu đồng thì nhiều, gấp nhiều lần số đang đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhưng họ chỉ gửi tiết kiệm. Tiết kiệm tại Việt Nam lại chỉ là “chốt sổ” định kỳ.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu có lợi suất hơn hẳn gửi tiết kiệm, ít rủi ro, thanh khoản tốt lại đang bị ế. Sự khiếm dụng các cơ hội như vậy phải chăng do lỗi của đại chúng? Không! Lỗi từ khâu kiến tạo thị trường, lỗi của giới quản lý và phục vụ, do thiếu chủ động và chưa có cách cạnh tranh thu hút.

Thật ra, khi một thị trường có nền tảng phát triển tốt theo chiều sâu, bản thân nó sẽ cung cấp nhiều sản phẩm khác nhau cho các giới và các gu đầu tư khác nhau. Trong đó có mảng cho “nhà nghèo”, cho ông nghỉ hưu, bà nội trợ, cho sinh viên, người làm công ít tiền và những ai không thích rủi ro. Sản phẩm cho mảng nhà nghèo sẽ gồm các loại chứng khoán cho thu nhập cố định, cổ phiếu ưu đãi, loại tiện ích, phòng thủ…

Các nhà nghèo có chí lớn (think big) cũng có thể săn tìm các chứng khoán “lọ lem”, các mã bị hắt hủi vô lý. Loại này thị trường nào cũng có, và Warren Buffett giàu là nhờ có cách chọn ở lâu với “lọ lem”, chứ không ong bướm “hàng hiệu”.

Tiếc là việc khai khẩn ít được chú trọng, thị trường do đó có thể vừa thừa (bị ế) vừa thiếu (các hàng hóa đa dạng). Ngay như cổ phiếu ưu đãi dù đã được chế định tại Luật Công ty từ năm 1990 nay hầu như vẫn còn trong bóng tối.

Người Việt được tiếng chắt chiu, ai dành dụm được ít tiền cũng muốn tìm cửa sinh lợi. Cửa sinh lợi của một quốc gia tùy thuộc cơ hội mở ra từ hiệu lực điều hành, các chính sách kiến hiệu… Kinh tế phát triển, mức sống tốt lên, lớp trung lưu đúng nghĩa tăng lên.

Theo thông lệ, nguồn tư bản và tinh lực tích lũy từ đó sẽ giúp kinh tế nước nhà có điều kiện cất cánh. Nhưng dù sao đó vẫn chỉ là lý thuyết. Nếu không được chào đón bởi các kênh đầu tư tích cực, thiếu niềm tin, nguồn nội lực này có thể sẽ tìm nơi trú ẩn, tìm chỗ hưởng nhàn, tiêu pha đẳng cấp, chảy vào bia rượu. Sự hưng vượng quốc gia do vậy sẽ khó xảy ra.

Kính tặng anh Lê Văn Châu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Huy Nam, Chuyên viên kinh tế tài chính và chứng khoán, thành viên Hội đồng Chỉ số HOSE và VNX, Giảng viên PACE, Trọng tài viên Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục