Tuần rung lắc mạnh
Sau tuần đầu năm hứng khởi với đỉnh mới 1.536,24 điểm của chỉ số VN-Index được thiết lập trong phiên chiều 6/1, tuần giao dịch thứ hai của năm 2022 đã liên tục có những nhịp rung lắc.
Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tuần qua ở mức 1.496,02 điểm. Trong tuần, đã có 4/5 phiên giao dịch, chỉ số giảm điểm.
Đặc biệt, trong phiên 11/1/2021, phiên thị trường bị ảnh hưởng bởi thông tin từ vụ bán cổ phiếu FLC không công bố thông tin của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, bảng điện tử đỏ rực vì hàng trăm mã giảm, trong đó nhiều mã đang tăng trần bỗng “nằm sàn”. Riêng nhóm cổ phiếu “họ FLC” như FLC, ROS, HAI, AMD, KLF… giảm liên tục từ thứ 3 tới thứ 6 tuần qua. Nhiều nhà đầu tư “khóc ròng” vì bị “kẹp hàng” đúng đỉnh do những mã này hầu như rơi vào tình trạng “trắng bên mua”.
Dưới góc nhìn của anh Vương Nam, nhân viên tư vấn của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, bối cảnh vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Ngoài những “sóng gió” vừa qua, việc thị trường giảm điểm hiện nay còn có nguyên nhân là xu hướng nhà đầu tư rút tiền về chi tiêu Tết hoặc để cảm thấy yên tâm hơn trong kỳ nghỉ dài. Theo anh Nam, sau 1.500 điểm sẽ là mốc 1.600 điểm, thậm chí cao hơn.
“Các nhịp điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh sâu (nếu có) là cơ hội để mua vào với vị thế giá vốn tốt, an toàn và nắm giữ lâu dài trong năm 2022. Tôi vẫn khuyên nhà đầu tư đi theo hướng ưu tiên doanh nghiệp tốt ngay từ đầu nên những thời điểm như thế này thì tranh thủ canh giảm để tìm điểm mua và nắm giữ dài hạn các mã tốt như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, dịch vụ, các ngành cung cấp yếu tố đầu vào của sản xuất - kinh doanh…”, anh Nam nói.
Cơ hội trung hạn vẫn tích cực
Thực tế cho thấy, sau thời gian tăng trưởng nhanh, mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu hiện đã được đẩy lên mức khá cao. Theo ông Chu Tuấn Linh, Phó giám đốc Khối IB, Công ty Chứng khoán Ngân hàng An Bình (ABS), hiện mặt bằng giá đã khá cao, sự tăng trưởng quá nóng trong hai năm vừa qua có thể dẫn đến rủi ro về mặt chính sách là các biện pháp siết chặt của cơ quan quản lý. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất sớm trong năm 2022 khiến dòng tiền bị hút khỏi thị trường Việt Nam, gây nên những hiệu ứng tiêu cực. Thêm vào đó, một số dòng vốn sẽ rời khỏi chứng khoán và quay trở lại sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn vào đầu năm 2022.
Vì những lý do trên, ông Linh cho rằng, chỉ số VN-Index không còn nhiều cơ hội để bứt phá lên cao hẳn so với đỉnh lịch sử 1.500 điểm.
Song bên cạnh đó, có nhiều ý kiến bảo vệ quan điểm rằng vẫn còn nhiều lực đỡ giúp thị trường chứng khoán dù kém hấp dẫn hơn năm 2021 nhưng vẫn sẽ phát triển theo hình răng cưa đi lên.
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán 2022 nhờ hai động lực chính là kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp trong quý IV/2021 và tác động tích cực của các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế.
Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch tuần qua ở mức 1.496,02 điểm.
Trong Báo cáo đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) dự báo, thị trường chứng khoán vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn từ các nhà đầu tư nội phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều, song vẫn có sự tăng trưởng nhất định.
VCBS dự báo VN-Index có thể tiến lên vùng 1.580 - 1.600 điểm, tương đương với mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh năm 2021. Trong bối cảnh GDP năm 2022 dự báo đạt 6,8 - 7,2%, lạm phát dự kiến tăng 4 - 4,5%.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định khá lạc quan khi cho rằng vào cuối năm 2022, VN-Index có thể đạt tới 1.898 điểm. Con số này được tính toán dựa trên định giá P/E dự phóng năm 2022 là 17,8 lần là P/E kỳ vọng năm 2023 là 14,7 lần.
Ông Bình cho hay, thời điểm đầu năm 2020, khi VN-Index mới 650 điểm, Yuanta Việt Nam đã dự báo chỉ số này đạt 1.100 điểm vào cuối năm 2020 nhưng không ai tin. Sự thật là, VN-Index đã đạt 1.103,87 điểm sau khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020. Đầu năm 2021, Yuanta Việt Nam một lần nữa dự báo VN-Index sẽ đạt 1.500 điểm trong năm và đến 25/11/2021 thì điều này thành sự thật.
Giải thích cho dự báo lạc quan năm 2022, ông Bình nêu quan điểm, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 17,1 lần, vẫn còn khá rẻ so với khu vực. Bên cạnh đó, trên thị trường mới chỉ có 4 triệu tài khoản được mở, tâm lý nhà đầu tư còn hứng khởi, sắp tới dòng tiền sẽ dồi dào do hàng loạt công ty chứng khoán tăng vốn để giải quyết cơn khát margin, rủi ro lạm phát không đáng kể vì lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy chứ không phải do cầu kéo… Tất cả các yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phát triển.
Tìm cơ hội trong thị trường phân hóa
Báo cáo nhận định thị trường mới nhất của VCBS cho biết, chỉ số VN-Index vẫn đang ở trong xu hướng tích lũy lại quanh vùng 1.490 - 1.500 điểm và nhiều khả năng sẽ có những nhịp rung lắc trước khi xuất hiện xu hướng bứt phá mới. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên chốt lời một phần đối với các cổ phiếu ghi nhận mức tăng vượt trội trong giai đoạn này và có thể cân nhắc tích lũy một số mã vốn hóa lớn đã có mức chiết khấu đáng kể sau hai phiên giảm điểm vừa qua.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, đây là cơ hội để quay lại nhóm cổ phiếu bluechips khi biến động của thị trường đang khá cao. Việc thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechips đã tạo được nền tích lũy kéo dài và khả năng giảm sẽ ít hơn.
Ông Trương Quang Bình nhấn mạnh, trong năm 2022, cơ hội lớn nhất thuộc về nhóm bán lẻ do được “bung hàng” sau thời gian dài giãn cách và chủ trương kích cầu của Chính phủ. Tiếp đó là nhóm ngành hàng không, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và không có thêm đợt giãn cách nào. Lĩnh vực thứ ba là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ đầu tư công như giao thông, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất sạch…
Tuy vậy, ông Bình khuyến nghị nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới, cần tránh FOMO trong lúc này. Thận trọng khi mua đuổi cổ phiếu vì giá đã được đẩy lên khá cao. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc chuyển sang mua những cổ phiếu đang có định giá thấp hơn so với trung bình ngành...