Chứng khoán ngày 12/2: Nên giữ bình tĩnh

(ĐTCK) Với những tín hiệu nhạy cảm như phiên 11/2, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì sự bình tĩnh, bám sát diễn biến thị trường.
Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 12/2.

Sẽ trở lại cân bằng

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Thị trường bỗng đảo chiều giảm mạnh chỉ trong 10 phút cuối cùng phiên 11/2. Nó diễn ra nhanh đến mức nhà đầu tư có lẽ chỉ kịp đặt lệnh bán mà không còn kịp theo dõi diễn biến của thị trường nữa.

Không có một thông tin nào tiêu cực xuất hiện đủ khiến thị trường đảo chiều giảm mạnh như vậy. Vì thế có thể sự hồ nghi sẽ  được đặt ra, tại sao thị trường lại giảm mạnh vào những phút cuối cùng như vậy? Tất nhiên chúng ta cũng phải đề cập đến việc nó diễn ra nhanh quá nên nhiều nhà đầu tư hoảng sợ vội bán ra cổ phiếu mới tạo hiệu ứng mạnh như vậy.

Sàn HOSE đã có một phiên giao dịch mạnh, vượt trên cả phiên 21/11/2013 về khối lượng lẫn giá trị và tạo ra một kỷ lục mới. Điều đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới xu hướng của thị trường cũng như tâm lý của nhà đầu tư, nhất là khi họ đã bán ra phiên 11/2.

Nhịp đảo chiều này là bất ngờ, nhưng đây không phải là lần đầu tiên thị trường diễn ra kiểu này vì thế nhà đầu tư cũng đã được tôi luyện nhiều và ngày càng bản lĩnh. Tất nhiên các chiến lược cũng sẽ bị ảnh hưởng và điều cần làm là quan sát thị trường.

Những phiên tới đây, sức ép từ bên bán vẫn duy trì nhưng không quá mạnh. Thị trường được kỳ vọng sẽ cân bằng trở lại nhờ vào lực mua từ khối ngoại. Những diễn biến tiếp theo sẽ cho thấy rõ xu hướng tốt hơn là chỉ nhìn vào một phiên giao dịch 11/2.

Nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Áp lực cung tăng mạnh khi chỉ số VN-Index tăng đến ngưỡng cản kỹ thuật 560 điểm. Chỉ số VN-Index giảm điểm về cuối phiên với thanh khoản tăng đột biến so với phiên trước, sau phần lớn thời gian giao dịch tăng điểm. Khối lượng đặt bán giá cao khá mạnh và phân bố đồng đều toàn thị trường.

Tuy nhiên, mức độ giảm giá ở nhóm cổ phiếu penny mạnh hơn thị trường chung, sau nhiều phiên tăng giá mạnh.

Áp lực chốt lời cũng tăng mạnh tại sàn HNX, khi chỉ số HNX-Index tăng gần đến ngưỡng cản kỹ thuật 78 điểm và tiếp cận đường biên trên của dải Bollinger Bands.

Diễn biến thị trường điều chỉnh sau gần 1 tháng tăng nóng là hợp lý. Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, khi xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn đang duy trì. Việc lựa chọn cổ phiếu nên quan tâm đến yếu tố cơ bản, thuộc ngành nghề được đánh giá triển vọng như dầu khí, xuất khẩu, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản được dòng tiền quan tâm.

Chỉ hồi nhẹ trong phiên

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ gần cuối phiên chiều đã khiến 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đóng cửa giảm điểm sau khi tăng mạnh vào phiên sáng.

Điểm tích cực là  bên mua vẫn sẵn sàng khi lượng hàng lớn được bán ra được hấp thụ gần hết trong khoảng thời gian ngắn và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng ở cả 2 sàn.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu đã tăng mạnh trong những phiên trước như PVD, PVS, TCM, SSI, HCM…cũng chỉ giảm nhẹ và những cổ phiếu dẫn đắt  thị trường như VCB, VIC, MSN, GAS…giữ được mức giá đóng cửa cao hơn phiên trước.

Khả năng chỉ số chỉ hồi nhẹ hoặc hồi lên trong phiên vào phiên giao dịch kế tiếp và bên bán sẽ lại gia tăng trở lại do khối lượng giao dịch lớn của phiên giao dịch 11/2 cần thời gian để tích lũy và sức cầu quay trở lại ở các vùng giá cân bằng hơn. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm, cơ cấu lại danh mục lướt sóng, đặc biệt giảm tỷ trọng ở các cổ phiếu đã tăng mạnh.

Duy trì sự bình tĩnh

(CTCK FPT - FPTS)

Diễn biến cuối phiên 11/2 là khá xấu khi áp lực bán tập trung tại nhóm VN30 và tạo hiệu ứng lan sang các nhóm cổ phiếu khác, thanh khoản vì thế cũng tăng mạnh với giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 3.700 tỷ đồng.

Có thể thấy, thị trường chung đang phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố nội tại ở một số thời điểm, trong phiên 11/2 nhà đầu tư nước cũng ngoài tăng mạnh mua ròng, nhưng không đủ để hỗ trợ thị trường duy trì sắc xanh cho đến hết phiên.

Tâm lý thận trọng và lo ngại của một bộ phận nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đã mạnh hơn và trở thành yếu tố thử thách sức mạnh của thị trường trong ngắn hạn.

Theo đó, khả năng cao những phiên tăng giảm xen kẽ sẽ vẫn là diễn biến chính của các chỉ số trong một vài phiên tới.

Với những tín hiệu nhạy cảm như phiên 11/2, thì chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì sự bình tĩnh, bám sát diễn biến thị trường và khối ngoại để có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý cho danh mục hiện tại.

Xem xét chốt lời tại 560 điểm

(CTCK MB - MBS)

Thị trường 11/2 đi xuống khi VN-Index giảm điểm còn HNX-Index giữ điểm; thanh khoản ở mức cao.

Mặc dù tăng điểm và lực mua khá tốt trong phiên, lực bán chốt lời đã tăng mạnh và đẩy chỉ số về tham chiếu khi VN-Index tiến sát ngưỡng kháng cự mạnh 560.

Chúng tôi cho rằng, 560 là ngưỡng kháng cự khá mạnh đối với thị trường, các nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời tại khu vực này.

Giữ cổ phiếu ở mức trung bình thấp

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Nhiều khả năng, các lệnh bán ra bất ngờ về cuối phiên 11/2 xuất phát từ nhà đầu tư trong nước, bởi khối ngoại vẫn mua ròng ở mức rất lớn (165 tỷ đồng) trên sàn HOSE. Việc xác định hoạt động bán ra này nhằm mục đích chốt lời hay “tháo chạy” cần thêm thời gian để kiểm chứng nhưng rõ ràng việc một lượng vốn lớn tạm thời rút ra khỏi thị trường (hơn 3.600 tỷ đồng) có thể sẽ ảnh hưởng tới lượng cầu cũng như tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trong các phiên sắp tới.

Nếu dòng tiền không sớm được bổ sung trong phiên ngày 12/2, tâm lý lo ngại có thể sẽ gia tăng hơn nữa.

Giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Phiên 11/2, VN-Index đã giao dịch rất hưng phấn trong đa số thời gian và có lúc vượt lên mức cao nhất 562 điểm, tăng hơn 1%. Tuy nhiên, lực chốt lời rất mạnh xuất hiện vào phiên chiều đã đẩy chỉ số đóng cửa giảm 0,4%, xuống 554 điểm. Chênh lệch giữa mức cao nhất xuống mức thấp nhất là 8 điểm, tạo ra một phiên giao dịch rất cảm xúc. Rất nhiều cổ phiếu có mức tăng điểm trong phiên lên hết biên độ và đóng cửa giảm giá. Trên cả hai sàn, số lượng cổ phiếu giảm điểm nhỉnh hơn so với số mã tăng là 246 giảm so với 214 tăng.

Bên cạnh dấu hiệu chốt lời mạnh mẽ và việc không có được phiên tăng nhắc lại, nếu VN-Index rớt xuống dưới mức 548 thì đây là cảnh báo rằng thị trường có thể điều chỉnh xuống thấp hơn. Chúng tôi cho rằng, vấn đề trọng tâm trong giai đoạn hiện tại là việc quản lý rủi ro. Các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và gán các lệnh dừng trạng thái nếu giá trượt xuống dưới một mức độ nhất

Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư chỉ nên giữ một tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp và đứng ngoài quan sát. Việc tích lũy cổ phiếu trở lại cho danh mục ngắn hạn chỉ nên xem xét khi có tín hiệu rõ ràng hơn về dòng tiền.

Tránh mua đuổi trong các phiên tăng nóng

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh với lực cung-cầu tốt đã đẩy VN-Index vượt ngưỡng 560 điểm. Sự phấn khởi trong phiên giao dịch 11/2 không chỉ ở khối ngoại mà cả ở các nhà đầu tư trong nước. Mặc dù vậy, ngay sau đó, áp lực chốt lời gia tăng kéo chỉ số này giảm điểm vào cuối giờ giao dịch.

Như vậy, kịch bản về các đợt điều chỉnh xen kẽ trong các phiên tăng điểm là có thể xảy ra trong thời gian này, đặc biệt khi VN-Index đang giằng co ở ngưỡng kháng cự 560 điểm.

Dựa trên các cơ sở đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tránh việc mua đuổi trong các phiên tăng nóng và phương án chốt lời một phần danh mục hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư khi thị trường tăng mạnh nên được xem xét.

Sẽ tiếp tục giảm

(CTCK Maritime Bank - MSBS)

Lực bán mạnh bất ngờ khiến thị trường đang hưng phấn trở nên rủi ro. Thực chất, khi VN-Index tiệm cận ngưỡng 560 điểm, cân nhắc chốt lời không phải quyết định tồi.

Nhà đầu tư hiện tại nên thận trọng hơn, quan sát thị trường, chốt lời ở những cổ phiếu có lãi và hạn chế hành động mua vào.

Trong phiên 12/2, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục giảm khi nhiều cổ phiếu sẽ bị bán chốt lời và tâm lý nhà đâu tư cẩn trọng hơn đối với việc mua vào ở mặt bằng giá hiện nay.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục