Chứng khoán năm 2016: Kỳ vọng bứt phá

(ĐTCK) Trò chuyện với ĐTCK trước thềm năm mới, lãnh đạo các CTCK cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng TTCK năm 2016 cũng đứng trước nhiều cơ hội mang lại từ hội nhập và hàng loạt chính sách mới được thực thi.
Chứng khoán năm 2016: Kỳ vọng bứt phá

“Năm 2016, TTCK hội tụ nhiều yếu tố tich cực hơn”

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI)

TTCK năm 2015 đã trải qua nhiều thách thức khi giá dầu thô giảm mạnh, tỷ giá USD/VND tăng 5%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nhiều yếu tố tiêu cực khác. Tôi cho rằng, TTCK năm 2016 sẽ vẫn chịu sự tác động của các yếu tố trên, song mức độ tiêu cực sẽ giảm đi rất nhiều.

Áp lực tăng tỷ giá USD/VND trong năm 2016 là rất rõ ràng, nhưng mức độ biến động có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2015 (+5%), nhờ FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2016 (năm 2015 giải ngân khoảng 14 tỷ USD), kiều hối dự báo tiếp tục tăng (năm 2015 đạt 12,2 tỷ USD) và dự trữ ngoại hối đủ bù đắp cho những áp lực tỷ giá.

Tôi cho rằng, các cải tiến thị trường mang tính kỹ thuật như thanh toán T+2, được mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán đang về tài khoản, nới room cho các NĐT nước ngoài hay các sản phẩm phái sinh dự kiến triển khai trong năm 2016 sẽ là những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến thị trường, giúp tăng thanh khoản, tăng tính hấp dẫn cho thị trường, tăng vòng vốn quay và giảm chi phí giao dịch của các NĐT.

Tôi cũng kỳ vọng vào các yếu tố cơ bản như sự tăng trưởng của nền kinh tế, nới lỏng tăng trưởng tín dụng cũng như việc hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước sẽ kéo theo dòng tiền nước ngoài tham gia vào thị trường. Đặc biệt, nếu TTCK Việt Nam được nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ là động lực mới cho sự phát triển.

Về phía MSI, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn, nhân sự, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đổi mới cũng như các sản phẩm mới của thị trường.

“Chúng tôi sẵn sàng cho mọi sự thay đổi”

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect
 

TTCK Việt Nam trải qua một năm 2015 đầy thách thức, chịu tác động rất lớn từ các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, giá dầu. Theo cảm nhận của tôi, trong năm 2016, yếu tố tỷ giá vẫn sẽ là yếu tố mà các NĐT cần quan tâm. Tuy nhiên, với định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt hơn của NHNN, thị trường sẽ hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại.

Về giá dầu, tôi kỳ vọng chu kỳ giảm của giá dầu thế giới sẽ dừng lại trong năm 2016. Nhiều doanh nghiệp dầu khí đang được thị trường định giá thấp và bước vào giai đoạn tạo đáy, do đó, sẽ không còn lo ngại nhiều về ảnh hưởng tiêu cực của nhóm cổ phiếu này tới thị trường.

Cùng với đó, năm 2016 với hàng loạt các quy định mới có hiệu lực như nới room, cho mua – bán cùng phiên, giảm thời gian thanh toán về T+2… sẽ mang tới nhiều tích cực và đột phá cho thị trường. Nếu việc mua bán trong ngày có hiệu lực, NĐT sẽ được hưởng lợi rất nhiều, không chỉ ở góc độ thanh khoản thị trường gia tăng, giao dịch sôi động hơn, nhiều cơ hội hơn, mà giao dịch T+0 còn cho họ khả năng phản ứng nhanh với các tình huống thị trường.

Về phía VNDIRECT, chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi sự thay đổi. Điển hình là từ ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016, khách hàng của VNDIRECT sẽ được hưởng tiền về tài khoản từ 8 giờ sáng ngày T+2, sớm hơn 8 tiếng so với quy định 16 giờ của VSD. Giao dịch T+0 sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng 50% so với mức hiện tại, đồng nghĩa với số lượng lệnh của toàn thị trường sẽ tăng gấp đôi, gấp ba, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống giao dịch đáp ứng nhu cầu này.

“Tác động của việc Fed tăng lãi suất với TTCK Việt Nam sẽ không quá mạnh”

Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc CTCK Saigonbank-Berjaya (SBBS)
 

Hoạt động của TTCK không chỉ dựa vào yếu tố kinh tế vĩ mô, mà còn phụ thuộc lớn vào tâm lý NĐT. TTCK Việt Nam hiện đang bị chi phối bởi các NĐT nhỏ lẻ. Lời khuyên của tôi cho các NĐT Việt Nam là TTCK biến động liên tục và rủi ro không thể tránh khỏi, trừ khi người ta không tham gia vào TTCK. Những gì tốt nhất là để cân bằng danh mục đầu tư để phân tán rủi ro.

Đối với việc tăng lãi suất gần đây của Fed đã được phản ánh vào tỷ giá và diễn biến TTCK Việt Nam, do vậy, tác động của việc này đối với TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ không quá mạnh. Các công ty FDI đã chọn Việt Nam lý do chính là vì chi phí sản xuất thấp và tình hình kinh tế vĩ mô ổn định.

Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp có thể di chuyển đến Mỹ để có lợi nhuận tốt hơn. Điều đó không có nghĩa ở Việt Nam hoạt động không tốt. Nó chỉ đơn giản là nhiệm vụ của người quản lý quỹ trong việc tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn và giảm rủi ro trong đầu tư.

“Chính sách mới tạo động lực tăng trưởng cho TTCK 2016”

Ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS)
 

Trong năm 2015, thị trường đón nhận một số thông tin khá tích cực như tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng (6,68%) trong khi lạm phát ở mức thấp kỷ lục (0,6%); quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu được đẩy mạnh (giảm còn 2,72% vào cuối 2015); triển khai các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA …; những thay đổi tích cực từ phía chính sách trong việc phát triển và hoàn thiện thị trường, đặc biệt là trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những yếu tố kể trên không đủ sức giúp thị trường chống chọi với những rủi ro mới nảy sinh, đặc biệt là một số diễn biến xấu trên thị trường thế giới.

Năm 2016 là năm bản lề của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Với một nhiệm kỳ mới của Đảng và Chính phủ, tôi kỳ vọng vào những chuyển động tích cực hơn về chính sách. Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, với đặc thù Việt Nam là một nền kinh tế có quy mô nhỏ và độ mở lớn, thị trường sẽ tiếp tục bị chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố bên ngoài như Fed hiện thực hóa lộ trình tăng lãi suất, giá dầu thô tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, với những bước đi tiếp chính sách trong việc hỗ trợ, phát triển thị trường và nâng cao sức hút với dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn ngoại, là động lực tăng trưởng cho thị trường cả về quy mô, điểm số và thanh khoản. Đứng trước cơ hội như vậy, VCBS đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt con người, củng cố năng lực tài chính vững mạnh, nhằm cung cấp cho khách hàng những tiện ích và dịch vụ tốt nhất.

“Hội nhập ASEAN mở ra nhiều cơ hội mới”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)
 

TTCK đã trải qua một năm 2015 đầy biến động, thử thách khi chịu tác động của nhiều yếu tố. Trước hết là Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước đã làm hạn chế dòng tiền vào TTCK và tôi cho rằng, yếu tố này tiếp tục có những ảnh hưởng đến TTCK trong năm 2016.

Trong năm qua, thị trường cũng chịu tác động xấu từ những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Cùng với đó, kế hoạch IPO của nhiều doanh nghiệp lớn và kế hoạch mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại đã “hút” vốn của nền kinh tế, làm hạn chế dòng vốn vào TTCK.

Về triển vọng thị trường trong 2016, tôi cho rằng, dù vẫn còn khó khăn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều cơ hội, khi mà thị trường đã giảm khá sâu nên sẽ có khả năng hồi phục. Việc hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, bằng việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội mới. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp nước ngoài vào thị trường trong nước dự báo sẽ diễn biến tích cực.

Tuy nhiên, cần thiết lập kỷ cương trên thị trường, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và thương hiệu của thị trường niêm yết, bảo vệ quyền lợi của NĐT và vì mục tiêu phát triển bền vững.

“Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng 2016”

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức  CTCK (SSI)
 

Năm 2016, dòng vốn ngoại có khả năng có nhiều biến động, khi tình hình hình các khu vực kinh tế chính trên thế giới có thể có nhiều thay đổi lớn và khá khó để có thể dự đoán được chính xác các kịch bản có thể xảy ra. Tuy vậy, so với các thị trường trong khu vực, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng, nhờ vào khả năng duy trì tăng trưởng tương đối tốt và sự ổn định vĩ mô.

Với bối cảnh chung như vậy, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế năm 2016 sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất thu hút dòng vốn ngoại. Bởi điều này sẽ tạo niềm tin về khả năng tăng tưởng bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn 3-5 năm sắp tới, cũng như khơi thông dòng vốn và đảm bảo quyền lợi của khối NĐT nước ngoài khi đầu tư vào TTCK Việt Nam, điều khiến khối này “lấn cấn” bấy lâu nay. Trên cơ sở đó, các ngành phục vụ tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục có khả năng thu hút NĐT nước ngoài.

Các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, lãi suất hay tình hình kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt và bền vững dựa vào tiêu dùng nội địa, những ảnh hưởng trên khả năng sẽ chỉ có tác động trong ngắn.

“Dòng vốn nước ngoài không đơn thuần phụ thuộc vào quyết định của Fed”

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)
 

Một số chuyên gia dự báo, việc Fed tăng lãi suất suất tham chiếu 25 điểm phần trăm lên mức 0,25-0,5%/năm vào ngày 16/12/2015 sẽ khiến dòng vốn quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc rút vốn này vẫn chỉ là dự báo.

Trên thực tế, khi Fed đẩy lãi suất lên đến đỉnh điểm trên 5% vào năm 2006, vốn FII vẫn ào ạt đổ vào Việt Nam và các thị trường mới nổi khác. Do vậy, động thái của dòng vốn nước ngoài trong dài hạn phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam, hiệu quả hoạt động của DN, định giá cổ phiếu và độ mở của thị trường hơn là đơn thuần một yếu tố là lãi suất USD của Fed.

Về xu hướng dòng vốn ngoại, trong năm 2015, hoạt động giải ngân tích cực của các quỹ đầu tư với chiến lược chọn các cổ phiếu nhỏ và vừa có mức giá hấp dẫn so với mặt bằng các cổ phiếu khác và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Hoạt động đầu tư các cổ phiếu vốn hóa lớn chủ yếu chỉ đến từ các quỹ ETF. Điều này là do các cổ phiếu lớn có yếu tố cơ bản tốt nhất như VNM và FPT vẫn đang hết room.

Nếu Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn việc bỏ giới hạn đầu tư nước ngoài cho các cổ phiếu chủ chốt, có thể sẽ có dòng vốn lớn hơn tham gia thị trường. Ngoài ra, xu hướng khối ngoại đầu tư các công ty nhà nước mới IPO cũng đáng lưu ý khi có hàng loạt các đơn vị lớn dự kiến sẽ IPO trong năm 2016.

“cơ hội với Các cổ phiếu hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, cơ sở hạ tầng”

Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Maybank Kim Eng
 

Về các yếu tố cơ bản, Maybank Kim Eng duy trì quan điểm tích cực trong năm 2016 bao gồm các yếu tố vĩ mô và các thông tin hỗ trợ TTCK. Đây sẽ là một năm cởi mở hơn rất nhiều, khi một loạt chính sách mới được áp dụng hoặc sắp được thông qua, như mua bán trong ngày, rút ngắn thời gian thanh toán, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, cổ phần hóa các DNNN còn lại, nâng cao chuẩn mực công bố thông tin hay các hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề nới room cho NĐT nước ngoài.

Đặc biệt, Thông tư 180/2015/TT-BTC khi được áp dụng rốt ráo sẽ đưa hàng trăm DN đại chúng lên sàn, giúp làm tăng đáng kể số lượng hàng hóa cũng như vốn hóa thị trường Việt Nam. Đây là một trong những điểm được mong đợi nhất, đặc biệt đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, nhóm đối tượng lớn chưa thực sự tham gia thị trường Việt Nam do quy mô và thanh khoản của thị trường vẫn còn hạn chế.

Những yếu tố tỷ giá hay điều chỉnh lãi suất gần đây của Fed sẽ không ảnh hưởng nhiều đến TTCK năm 2016 do tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn thấp (so với tổng nguồn vốn đầu tư vào các thị trường cận biên và mới nổi), cũng như việc các yếu tố này đã được dự đoán trước. Điều căn bản là Chính phủ phải kiên định với các định hướng kinh tế thị trường, bao gồm cả chính sách điều hành quản lý tỷ giá, đẩy mạnh các cải cách trọng điểm cũng như có biện pháp quyết liệt hơn trong thắt chặt chi tiêu công (nhằm giảm thâm hụt ngân sách) và quản lý nợ công.

Các NĐT nước ngoài quan tâm rất lớn tới thị trường Việt Nam, đặc biệt với những chuyển biến mạnh mẽ được kỳ vọng trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, họ vẫn còn vướng mắc về việc thực hiện Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC liên quan đến việc nới room cho NĐT nước ngoài.

Năm 2016, MBKE cho rằng, các cổ phiếu hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại, cơ sở hạ tầng hoặc có thể được hướng dẫn cho phép nới room cho NĐT nước ngoài có cơ hội tăng giá tốt hơn. Chúng tôi thấy cơ hội đầu tư tại nhiều cổ phiếu trong các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm, công nghệ do yếu tố cơ bản tốt và định giá còn rất hấp dẫn.

“Vốn ngoại sẽ tích cực nếu chính sách tỷ giá rõ ràng”

Ông Nguyễn Việt Đức, Chuyên gia chiến lược thị trường cao cấp CTCK MB (MBS)

Dòng vốn đầu tư nước ngoài mới đạt khoảng 98 triệu USD cho năm 2015, thấp hơn khá nhiều so với các năm trước. Theo dõi biểu đồ hút ròng vốn đầu tư gián tiếp của NĐT nước ngoài từ 2007 tới nay, xu hướng hút ròng tương đối yếu của thị trường Việt Nam. Điều này do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng lệch pha so với thế giới và do TTCK nhỏ với quy mô vốn hóa chỉ khoảng 57 tỷ USD (bằng 1/3 so với Philippines là nước có quy mô GDP tương đương trong khu vực).

Năm 2016, dòng vốn ngoại sẽ chảy chậm trong thời gian đầu năm khi NĐT quốc tế tiếp tục cơ cấu phân bổ dòng tiền sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu và NĐT nước ngoài lo ngại về sức ép điều chỉnh tỷ giá. Dòng vốn sẽ tích cực hơn sau khi vấn đề tỷ giá có một định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý. Các vấn đề về mở room cho các công ty niêm yết cũng như IPO và niêm yết các công ty hàng đầu như Mobifone, VietjetAir... sẽ thu hút sự chú ý của NĐT nước ngoài.

Trong bối cảnh rủi ro của TTCK toàn cầu gia tăng, sức hút của Việt Nam là ở tiềm năng tăng trưởng do tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, khả năng hút ròng vốn FDI và sự phục hồi theo chu kỳ. Trên cơ sở này, chúng tôi khuyến nghị NĐT tập trung đầu tư vào công ty trong ngành cảng biển, khu công nghiệp, dệt may (được hưởng lợi từ việc gia nhập các hiệp định thương mại và đầu tư FDI), bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin (phục hồi chu kỳ). Bối cảnh rủi ro tăng cao cũng sẽ khiến NĐT tăng cường phân bổ vào những công ty có khả năng trả cổ tức ổn định, tỷ lệ cổ tức/thị giá hấp dẫn so với kênh tiền gửi ngân hàng.

Hải Vân - Phan Hằng ghi nhận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục