Ngay khi giao dịch trở lại sau 3 ngày nghỉ, phố Wall đã tiếp nối đà tăng để thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên thứ Ba.
Phố Wall tăng mạnh và liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới khi giới đầu tư kỳ vọng các chính sách cắt giảm thuế, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng hơn quy định với ngân hàng của Tổng thống Trump sẽ dễ dàng được thông qua bởi Quốc hộ Mỹ đang do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ngoài ra, việc giá dầu thô tăng khi OPEC cho biết tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng, giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng, cũng hỗ trợ tích cực cho phố Wall.
Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Dow Jones tăng 118,95 điểm (+0,58%), lên 20.743,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,22 điểm (+0,60%), lên 2.365,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 27,37 điểm (+0,47%), lên 5.865,95 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh giảm điểm, các thị trường khác cũng đồng loạt đảo chiều tăng mạnh trong phiên thứ Ba để lên cao mức 14 tháng sau thông tin kinh tế khả quan được công bố.
Cụ thể, chứng khoán Anh giảm do ảnh hưởng của cổ phiếu HSBC sau khi ngân hàng này công bố mức sụt giảm lợi nhuận mạnh trong năm tài chính vừa qua. Cổ phiếu của HSBC giảm 6,5% sau thông tin trên, mức giảm trong ngày mạnh nhất 8 năm qua.
Trong khi đó, chứng khoán Đức tăng vọt gần 1,2% lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2015 sau khi cuộc khảo sát cho thấy, mức tăng trưởng trong khu vực tư nhân của nước này trong tháng 2 đạt mức cao nhất 3 năm.
Tăng trưởng của khu vực tư nhân của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cũng bất ngờ lên mức cao nhất 6 năm và việc làm mới có tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2007.
Tuy nhiên, chứng khoán Pháp hãm đà tăng do giới đầu tư lo ngại về rủi ro chính trị khi ứng viên Tổng thống Pháp của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen - người có tư tưởng ly khai khỏi eurozone thu hẹp khoảng cách với các ứng viên ôn hòa trong cuộc thăm dò mới nhất.
Kết thúc phiên 21/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,03 điểm (-0,34%), xuống 7.274,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 139,87 điểm (+1,18%), lên 11.967,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,77 điểm (+0,49%), lên 4.888,76 điểm.
Tren thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng tưang mạnh trong phiên thứ Ba khi đồng yên giảm so với đồng USD sau khi phát biểu của 2 quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Philadelphia và Cleveland củng cố thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 3 tới.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Ba để đóng cửa ở mức cao nhất gần 3 tháng với kỳ vọng sẽ có dòng chảy mạnh hơn từ quỹ hưu trí vào chứng khoán.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại có phiên giảm mạnh nhất trong 1 tháng cũng do ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh kém khả quan của HSBC.
Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Nikkie 225 tăng 130,36 điểm (+0,68%), lên 19.391,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 182,45 điểm (-0,76%), xuống 23.963,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,37 điểm (+0,41%), lên 3.253,33 điểm.
Phát biểu của các quan chức Fed khiến đồng USD tăng và gây sức ép, đẩy giá vàng đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, đà giảm không quá mạnh khi vai trò trú ẩn của vàng vẫn ở mức cao với những lo ngại về rủi ro chính trị tại châu Âu.
Kết thúc phiên 21/2, giá vàng giao ngay giảm 0,4 USD (-0,03%), xuống 1.236,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 0,2 USD (-0,02%), xuống 1.238,9 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp khi OPEC cho biết thực hiện đúng thỏa thuận cắt giảm sản lượng như cam kết. Thông tin này giúp bù đắp thông tin về sản lượng kho dự trữ của Mỹ tăng mạnh và số lượng giàn khoan tăng lên mức cao kỷ lục được công bố tuần trước.
Kết thúc phiên 21/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,66 USD/thùng (+1,23%), lên 54,04 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,48 USD (+0,85%), lên 56,66 USD/thùng.