Chứng khoán là một hành trình dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tôi vẫn thường xuyên đọc báo để thu thập thông tin, chủ yếu là lấy số liệu và thông tin về chính sách để phân tích và đánh giá trên quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của mình.
Với nhà đầu tư chứng khoán, thông tin là tiền bạc. Với nhà đầu tư chứng khoán, thông tin là tiền bạc.

Bài học từ thực chiến

Là nhà đầu tư bắt đầu tham gia thị trường vào giai đoạn đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện (đầu năm 2020), tôi cũng có nhiều trải nghiệm ngọt ngào. Giai đoạn đỉnh cao, có lúc giá trị tài khoản tăng gấp 4-5 lần. Nhưng bài học quản trị rủi ro với những lúc thị trường chao đảo như quý II năm nay cũng thực thấm thía. Đến thời điểm này, tôi đã đưa margin về bằng 0, nhưng vẫn giữ lại một tỷ trọng cổ phiếu trong tài khoản.

Đây là thời điểm để nhìn lại chặng đường đã qua, rút ra các bài học kinh nghiệm từ quá trình thực chiến của mình, dù thực tế tôi được tắm trong môi trường đầu tư chuyên nghiệp khi cả gia đình đều chuyên tâm đầu tư chứng khoán.

Thị trường hiện tại rất khó để tham gia, khi chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố bất lợi (dòng tiền rút về, lạm phát trên thế giới tăng mạnh, ngân hàng trung ương các quốc gia vào cuộc đua nâng lãi suất điều hành, chiến sự Nga-Ukraina tiếp tục leo thang...).

Việc đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn này khó kiếm lời, “cửa ăn” nhỏ hơn “cửa thua”, vì bạn phải chọn đúng cổ phiếu, nhịp ra - vào phải đúng thời điểm, sai nhịp là phải cắt lỗ ngay, ăn không được bao nhiêu mà còn rất mệt đầu.

Có những mã cổ phiếu tôi xác định đầu tư dài hạn và nghĩ cứ giá rẻ là nhặt từ từ, nhưng F0 vốn ít như tôi mà cứ mua thì cũng đến lúc hết tiền, trong khi thị trường sau đó còn có giá hấp dẫn hơn. Bởi dễ thấy, mỗi lần thị trường điều chỉnh thì tất cả các cổ phiếu dù tốt hay xấu đều giảm. Có thể chúng ta không bán, nhưng người kế bên chạy mất tiêu rồi, vì thế, với những mã xác định đầu tư dài hạn, tôi thường chọn điểm mua khi giá cổ phiếu xuống thật thấp, mua khi giá cao chủ yếu dành cho trading với số lượng nhỏ.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp tốt mà cổ phiếu không tăng giá? Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi thấy cổ phiếu muốn tăng thường phải đáp ứng tối thiểu 2 trong 3 yếu tố sau: cơ bản doanh nghiệp; phân tích kỹ thuật, dòng tiền; thị trường.

Tại sao các chuyên gia phân tích kỹ thuật giỏi vẫn lỗ nặng? Yếu tố nền tảng của phân tích kỹ thuật là giá và khối lượng... Yếu tố cốt lõi để thành công khi phân tích kỹ thuật là sự kỷ luật. Nhưng nhà đầu tư là con người, thường chọn theo con tim chứ không theo lý trí. Khi thấy một cổ phiếu trên đường downtrend, có thời điểm tôi lại mua thêm.

Khi thấy một điểm hồi nhỏ trên đường lao dốc, tôi nghĩ rằng sự lao dốc đã chậm lại và tự tin mua vào để chờ cổ phiếu bật lên. Tôi lờ đi sự phân kỳ trong phân tích kỹ thuật. Đến khi tôi hiểu được vì sao làm vậy là sai thì đã phải trả giá bằng việc tài khoản bị bào mòn.

Sai lầm nữa mà tôi đã từng mắc là lẫn lộn giữa là nhà đầu tư và nhà đầu cơ. Khi mua cổ phiếu nào, tôi đều nghĩ sẽ chờ cổ phiếu tăng, bán lấy lời. Nhưng nào ngờ đâu, cổ phiếu chưa về tài khoản đã bị lỗ, hoặc ôm lâu đã bị lỗ ngược (lãi ít không bán, để lâu thành lỗ).

Con đường đi của một số cơ quan báo chí uy tín là tập trung cho các bài viết chuyên sâu, là thị trường ngách, khó nhưng cá nhân tôi cho là chiến lược đúng.

Tôi quên luôn rằng mình mua cổ phiếu này chỉ để lướt sóng vì bản thân doanh nghiệp không có gì đặc biệt, hoặc đôi lúc mua theo “phím hàng”, trong đầu tôi chỉ còn ý nghĩ thôi chờ, chờ nó hồi rồi hẵng bán. Lúc đó, từ nhà đầu cơ, tôi đã trở thành nhà đầu tư “chân phụ” (không phải chân chính). Dòng đời đẩy đưa, thị trường giảm sâu quá, tôi đã phải cắt lỗ cổ phiếu khi nó giảm tới 40%.

Cũng như nhiều nhà đầu tư trẻ khác, tôi vẫn thường xuyên đọc báo để thu thập thông tin cũng như tham khảo những phân tích, nhận định của giới chuyên gia chứng khoán. Tuy vậy, qua theo dõi một thời gian, tôi nhận thấy, chưa có nhiều tờ báo đưa ra được những phân tích chuyên sâu, điều mà các nhà đầu tư đang rất cần. Các thông tin trên báo thường mang tính xác nhận là chính, vì trước đó trên các diễn đàn thường có trước rồi. Bởi thế, con đường đi của một số cơ quan báo chí uy tín là tập trung cho các bài viết chuyên sâu, là thị trường ngách, khó nhưng cá nhân tôi cho là chiến lược đúng.

Đầu tư là hành trình dài học hỏi

Ba mẹ tôi luôn chia sẻ, những nhà đầu tư giao dịch với mục đích chính là kiếm tiền từ thị trường thường ít thành công hơn nhà đầu tư giao dịch với mục đích phát triển bản thân. Họ rèn luyện, khám phá bản thân mỗi ngày qua tính kỷ luật, kiên nhẫn, kiểm soát ham muốn. Bên cạnh đó, chất lượng chiến thắng quan trọng hơn tỷ lệ chiến thắng.

Dù cho tỷ lệ chiến thắng cao nhưng cuối cùng nhà đầu tư vẫn lỗ nếu chất lượng khoản lỗ luôn lớn hơn chất lượng khoản lãi. Đây cũng là điều mà bậc thầy chứng khoán O’Neil luôn nhấn mạnh: “Chúng ta nên tìm cổ phiếu lớn, sau đó tìm cách sở hữu một lượng lớn”.

Gần 3 năm đầu tư trên thị trường, khả năng đứng dậy và phục hồi sau mỗi giai đoạn khó khăn bằng can đảm và bền chí chính là điều mà tôi học được. Tôi từng có nhiều lúc cảm thấy sợ hãi vì thua lỗ, hay vì một sai lầm nào đó, cũng có lúc tôi lo lắng mình đang chịu độ rủi ro lớn. Khi ấy, các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong gia đình thường khuyên tạm điều chỉnh quy mô vị thế giao dịch để loại bỏ sợ hãi.

Hành động từ tâm thế vững chãi cũng có nghĩa là không nợ nần, hoặc kiểm soát được nợ nần để không bị lệ thuộc vào bất cứ khoản nợ nào trong đầu tư. Do đó, luôn full margin nhưng tài khoản của tôi thường trữ tỷ lệ tiền mặt đủ để ứng biến. Khi thị trường vào giai đoạn khó khăn như hiện nay, tôi quyết định hạn chế việc sử dụng đòn bẩy tài chính.

Điều lớn nhất mà tôi học được là đầu tư cũng giống như cuộc sống là một hành trình có đúng có sai, nếu nhắm mắt trước thất bại và đổ lỗi cho người khác, chúng ta sẽ như chiếc xe mắc kẹt trong vũng lầy. Thay vào đó, có sai thì sửa và có sai thì học hỏi, để tích lũy trải nghiệm cho bản thân.

O’Neil tâm niệm: “Không bao giờ ngừng học hỏi và tiến bộ, cách duy nhất để làm điều này là thường xuyên rà soát lại sai lầm và sửa chữa chúng”.

Với tôi, chứng khoán là một chặng đường dài, luôn đầy ắp bài học để hoàn thiện bản thân.

Lê Hoàng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục