Chứng khoán khu vực tích cực nhờ vắc-xin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán khu vực phản ứng tiêu cực với làn sóng lây nhiễm biến thể Delta Covid-19, nhưng nỗ lực tiêm vắc-xin đã giúp nhiều thị trường tăng điểm trở lại, thậm chí lập đỉnh mới.
Sau khi phản ứng tiêu cực với dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới đều tăng mạnh Sau khi phản ứng tiêu cực với dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới đều tăng mạnh

Giảm rồi lại tăng

Năm 2021 chứng kiến đà lây nhiễm biến thể Delta ở Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Thái Lan và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, trái với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chỉ số chứng khoán BSE SenSex 50 của Ấn Độ từ đầu năm 2021 đến ngày 25/8 tăng 17,2%, đạt 55.944,21 điểm. Chỉ số giảm trong giai đoạn đỉnh dịch tháng 4, nhưng sau đó tăng điểm trở lại, hiện ở vùng điểm cao nhất năm.

Tương tự, chỉ số Jakarta Stock Exchange Composite Index của Indonesia đi ngang trong giai đoạn đỉnh dịch tháng 4 và cuối tháng 5, nhưng kể từ ngày 19/5 đến 25/8, chỉ số tăng 6,1%, hiện ở mức cao trong năm là 6.113,24 điểm, tăng 2,2% so với đầu năm.

Tại Thái Lan, chỉ số SET 100 hiện tăng 7,7% so với đầu năm, đạt 2.193,51 điểm. Trước đó, chỉ số điều chỉnh giảm trong giai đoạn tháng 7 và đầu tháng 8, nhưng gần đây nhanh chóng phục hồi.

Chỉ số chứng khoán Thái Lan, Indonesia, Singapore, Ấn Độ. Nguồn: Investing.com.

Chỉ số chứng khoán Thái Lan, Indonesia, Singapore, Ấn Độ. Nguồn: Investing.com.

Kỳ vọng vào vắc-xin

Năm 2020, các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 và là tâm điểm về số ca nhiễm bệnh, nhưng kể từ khi có thông tin triển khai vắc-xin vào cuối năm, cũng như quá trình mở cửa lại nền kinh tế bắt đầu diễn ra, thị trường chứng khoán tại Anh, Đức, Pháp, Ý… đều nhanh chóng tăng điểm mạnh, hầu hết chỉ số chứng khoán vượt qua mức đỉnh trước khi đại dịch xuất hiện. Hiện tại, các thị trường chứng khoán châu Âu vẫn có diễn biến tăng điểm.

Trong khi đó, châu Á là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp, nhưng chính phủ các nước đã và đang đẩy nhanh chương trình tiêm vắc-xin trên diện rộng, qua đó kỳ vọng sẽ sớm mở cửa lại nền kinh tế.

Singapore hiện là quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, tới đầu tháng 8/2021 có 70% dân số tiêm đủ 2 mũi và 79% dân số được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Nhờ vậy, từ ngày 10/8, quốc gia này bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và từng bước bình thường lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, nhờ việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin, đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, Jakarta đã mở cửa lại một phần các hoạt động kinh tế từ ngày 24/8.

Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, sau khi đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin, số ca nhiễm mới giảm đáng kể, các hoạt động kinh doanh dần được mở cửa trở lại từ ngày 14/6.

Nhìn chung, các thị trường chứng khoán trong khu vực và trên thế giới chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn bởi các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng đều tăng điểm trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao.

Chứng khoán Việt Nam dần thích nghi với điều kiện mới

Từ đầu tháng 7/2021 tới nay, thị trường chứng khoán có một số đợt phản ứng tiêu cực với thông tin đại dịch. Cụ thể, từ ngày 2/7 đến 19/7, VN-Index giảm 12,4%, về 1.243,51 điểm, do thông tin giãn cách xã hội. Từ ngày 19/7 đến 19/8, chỉ số tăng 10,6%, lên 1.374,85 điểm, nhưng từ ngày 19/8 đến 24/8 giảm 5,5%, xuống 1.298,74 điểm, khi biện pháp giãn cách được tăng cường.

Thị trường liên tục đón nhận các thông tin giãn cách nên tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, dòng tiền không chảy ra khỏi thị trường, mà chực chờ cơ hội, giúp chỉ số hồi phục nhanh khi tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn và dần thích nghi với điều kiện bình thường mới.

Giới đầu tư kỳ vọng, giống các nước trong khu vực và thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng tại tâm dịch là TP.HCM đạt tỷ lệ cao, Việt Nam sẽ mở cửa trở lại một phần nền kinh tế từ ngày 15/9 tới.

Đồng thời, Chính phủ tập trung vào các chính sách kích cầu để thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế như hạ lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch...

Thông tin tích cực trong ngày cuối tuần qua là kết quả thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3a vắc-xin Covid-19 Nanocovax do công ty trong nước là Nanogen nghiên cứu, phát triển đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia chấp thuận. Nếu vắc-xin Covid-19 này được cấp phép, Việt Nam sẽ sớm đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục