Chứng khoán khởi sắc, doanh nghiệp địa ốc rục rịch lên sàn

(ĐTCK) Tính đến hết tháng 11/2017, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về điểm số và thanh khoản, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản đưa cổ phiếu lên sàn.
Sau Văn Phú Invest, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp địa ốc nữa lên sàn trong thời gian tới. Ảnh: Hải Yến  Sau Văn Phú Invest, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp địa ốc nữa lên sàn trong thời gian tới. Ảnh: Hải Yến

Điểm mặt những tân binh

Ngày 28/11, CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest đã chính thức niêm yết 160 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán VPI. Sau 3 phiên chào sàn, giá cổ phiếu VPI đã tăng 50%, chốt phiên cuối tuần qua ở mức 41.400 đồng (giá tham chiếu lúc lên sàn là 27.600 đồng).

Sở hữu quỹ đất sạch khá lớn, nhưng trong nhiều năm, hình ảnh Văn Phú Invest chưa thực sự quá nổi bật trên thị trường. Một phần do cách thức đầu tư theo hình thức "cuốn chiếu" từng dự án tương đối thận trọng, phần còn lại được cho đến từ việc do không phải doanh nghiệp niêm yết, nên thông tin của Văn Phú Invest đến công chúng đầu tư và thị trường không nhiều.

Tuy nhiên, sau giai đoạn thận trọng, Văn Phú đã quyết định mở rộng quy mô hoạt động với việc đồng thời triển khai nhiều dự án lớn và lấn sân sang đầu tư lĩnh vực BT, BOT. Đây chính là động lực khiến doanh nghiệp này quyết định niêm yết trên HNX nhằm tăng khả năng huy động nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Chia sẻ tại buổi lễ niêm yết, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Văn Phú Invest khẳng định, xét về cục diện, việc niêm yết trong giai đoạn hiện nay khá phù hợp trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có bước tăng trưởng khá ấn tượng về mặt chỉ số và thanh khoản, cùng làn sóng đầu tư vào cổ phiếu ngành bất động sản - xây dựng.

Không những vậy, hiện tại, việc niêm yết đang trở thành xu thế tất yếu với những doanh nghiệp muốn nâng cao vị thế của mình trên thương trường, bởi niêm yết đồng nghĩa với việc phải công khai, minh bạch thông tin và tình hình tài chính cho giới đầu tư và cả những người mua nhà. Đây có thể là thách thức, nhưng cũng là điều tốt để Văn Phú Invest có động lực thay đổi hình ảnh thương hiệu trong mắt công chúng.

Trước đó ít lâu, ngày 6/11, sau nhiều thời gian chờ đợi, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail đã niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE). Là nhà phát triển, sở hữu và vận hành chuỗi trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, ngay khi lên sàn, cổ phiếu VRE đã được nhiều nhà đầu tư săn đón. Sau gần 1 tháng niêm yết, giá cổ phiếu VRE đã tăng 36%.

Với 4 mô hình gồm Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom Plus, doanh nghiệp này đang quản lý, vận hành và cho thuê 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh, thành phố lớn của cả nước, với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ gần 1,2 triệu m2. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, Công ty chiếm 60% tổng diện tích trung tâm thương mại.

Bà Trần Mai Hoa, Tổng giám đốc Vincom Retail cho biết, việc đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HOSE là một sự kiện rất ý nghĩa trong lịch sử phát triển của Công ty. Vincom Retail cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong số các đơn vị vận hành trung tâm thương mại đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HOSE.

Với dân số trẻ, sáng tạo và tốc độ đô thị hóa nhanh, lãnh đạo Vincom Retail cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và đây là nhân tố rất thuận lợi để ngành bất động sản, cũng như bán lẻ hiện đại còn phát triển vững mạnh trong những năm tới.

Vì thế, việc niêm yết hứa hẹn mang lại cho Công ty nhiều thuận lợi, như hình ảnh và thương hiệu được quảng bá rộng rãi, nâng cao tính cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và chất lượng quản trị, cũng như tăng khả năng huy động vốn trong tương lai cho các dự án mới.

Tương tự VPI, VRE, đầu năm 2017, một doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP Đầu tư Everland cũng đã chính thức chào sàn HOSE với mã chứng khoán EVG. Theo chia sẻ của lãnh đạo EVG, với tầm nhìn dài hạn, chiến lược phát triển của Công ty tập trung vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và bền vững như bất động sản, xây dựng, khai khoáng, thương mại và dịch vụ. Do đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp này xác định việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE là một cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của Everland, đồng thời nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh cũng như quản trị doanh nghiệp.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2020, Everland xác định, bất động sản là một trọng những lĩnh vực đầu tư mũi nhọn với nhiều dự án tại Hà Nội và Bắc Ninh thông việc mua cổ phần chi phối các đơn vị sở hữu dự án. Ngoài ra, việc niêm yết trên trên sàn chứng khoán chính thức cũng giúp Everland có thêm nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Chìa khóa giải quyết bài toán vốn dài hạn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế, tiềm lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Việt Nam vẫn còn ở mức tương đối hạn chế. Nhiều chủ đầu tư khi phát triển dự án chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 20%, phần lớn số vốn còn lại là vốn huy động từ bên ngoài, trong đó khoảng 60% là vốn vay từ các ngân hàng và một lượng lớn huy động từ khách hàng. Có nhiều dự án, tỷ lệ vay từ ngân hàng lên tới 70 - 80% tổng vốn đầu tư, với thời hạn 10 - 15 năm.

Luồng vốn này về cơ bản không ổn định, phụ thuộc vào thăng trầm của thị trường tín dụng, dẫn đến một hệ quả, thị trường bất động sản cũng dễ mất cân đối mỗi khi chính sách tín dụng có sự thay đổi bất thường. Chưa kể, mức lãi suất dù đã giảm rất nhiều, hiện còn khoảng 8 - 10%/năm, nhưng vẫn là mức tương đối cao, gây nhiều áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Võ, việc “thấp thỏm” mỗi khi ngân hàng “hắt hơi, sổ mũi” không thể coi là một giải pháp về vốn phát triển bất động sản trong trung và dài hạn. Trong khi đó, nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư là rất nhiều, nếu có thể huy động được có thể mang lại nhiều lợi ích. Do đó, việc lên sàn niêm yết là chìa khóa huy động nguồn vốn dài hạn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, lên tới hơn 40%.

Tại hội thảo “Tiềm năng cổ phiếu bất động sản” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang là thị trường chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á. Đóng góp vào tăng trưởng chung của thị trường chứng khoán là nhóm cổ phiếu bất động sản.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có đến hơn 80% mã cổ phiếu bất động sản tăng giá. Từ phiên giao dịch đầu tiên của năm (ngày 3/1/2017) đến cuối tháng 11/2017, một số mã cổ phiếu bất động sản đã tăng giá trên 300%, nhiều mã tăng trên 200%. Các cổ phiếu có tỷ lệ tăng giá từ 50% đến hơn 100% tương đối phổ biến trên cả hai sàn.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Công ty Savills Việt Nam cho biết, với một gam màu tương đối sáng khi giao dịch ổn định, mức giá tăng trưởng tốt, cùng dòng vốn đầu tư vào bất động sản qua thị trường chứng khoán vẫn tăng, thì cơ hội cho các cổ phiếu bất động sản đang rất lớn.

Hiện số doanh nghiệp bất động sản trên sàn niêm yết đã tăng lên gần 60 cổ phiếu và ngày càng có nhiều sự hiện diện của các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng đầu tư trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tiếng tăm và uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.

Theo ông Khương, với sự tham gia của các đối tác chiến lược, ngoài việc tiếp cận được dòng vốn giá rẻ, các doanh nghiệp bất động sản còn có cơ hội chuyển mình để nâng cấp hệ thống quản trị, quan hệ nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn mới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục