Giằng co chủ yếu dưới mốc tham chiếu, các chỉ số chính của phố Wall đã phục hồi trở lại vào cuối phiên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định như dự báo trước đó của giới phân tích.
Cụ thể, Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này như hiện tại, đồng thời sẽ cắt giảm lượng tài sản nắm giữ khoảng 4.200 tỷ USD gồm trái phiếu kho bạc, chứng khoán kể từ tháng 10 với kế hoạch ban đầu là giảm 10 tỷ USD/tháng từ số chứng khoán đáo hạn.
Dù không tăng lãi suất trong cuộc họp này, nhưng Fed cho biết, sẽ cân nhắc tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm vào cuộc họp tháng 12. Sau tuyên bố này, khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối năm đã tăng lên 67% so với mức 51% thời điểm trước khi Fed công bố.
Với việc khả năng Fed sẽ tăng lãi suất, cùng với lợi suất trái phiếu tăng giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng, kéo chỉ số Dow Jones và S&P 500 hồi phục và tiếp tục có phiên tăng điểm và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong ngày thứ Tư. Trong khi đó, dù cũng hồi phục trở lại, nhưng Nasdaq không thể lên lại mức tham chiếu khi cổ phiếu Apple giảm sau tuyên bố smartwatch mới ra mắt gặp vấn đề về kết nối.
Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Dow Jones tăng 41,79 điểm (+0,19%), lên 22.412,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,59 điểm (+0,06%), lên 2.508,24 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,28 điểm (-0,08%), xuống 6.456,04 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng lình xình trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư thận trọng trước khi Fed công bố quyết định.
Kết thúc phiên 20/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,30 điểm (-0,05%), xuống 7.271,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,38 điểm (+0,06%), lên 12.569,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,22 điểm (+0,08%), lên 5.241,66 điểm.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính cũng lình xình khi giới đầu tư thận trọng chờ quyết định của Fed. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ô tô năng lượng mới sau khi Trung Quốc tuyên bố năm 2030 sẽ cấm ô tô chạy xăng, dầu.
Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 11,08 điểm (+0,05%), lên 20.310,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 76,39 điểm (+0,27%), lên 28.127,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,15 điểm (+0,27%), lên 3.366,00 điểm.
Quyết định cắt giảm lượng tài sản nắm giữ từ tháng 10 với 10 tỷ USD mỗi tháng, sau đó sẽ tăng lên, cùng với tuyên bố có thể tăng lãi suất trong tháng 12 của Fed khiến giá vàng lao dốc mạnh trong ít phút cuối phiên, dù trước đó đang có đà tăng nhẹ.
Đà giảm của giá kim loại quý này chỉ được hãm bớt khi lực cầu trú ẩn sau bài phát biểu được xem là “bốc lửa” của ông Trump tại Liên Hợp quốc về vấn đề Triều Tiên.
Kết thúc phiên 20/9, giá vàng giao ngay giảm 10,2 USD/ounce (-0,78%), xuống 1.300,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,8 USD/ounce (+0,44%), lên 1.316,4 USD/ounce.
Trong khi đó, dầu thô lại tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư với mức tăng hơn 2% bất chấp sự gia tăng trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 4,6 triệu thùng do nhập khẩu tăng. Đây là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của kho dự trữ Mỹ.
Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn tăng mạnh trong phiên thứ Tư là nhờ tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết, OPEC và các đối tác đang xem xét mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng mạnh hơn nữa.
Kết thúc phiên 20/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,93 USD (+1,88%), lên 50,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,06 USD (+1,92%), lên 56,20 USD/thùng.