Chứng khoán, giá vàng và dầu thô có năm khởi sắc

(ĐTCK) Dù điều chỉnh trong phiên cuối năm, nhưng chứng khoán toàn cầu đã có năm khởi sắc với mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm. Không chỉ chứng khoán, giá vàng và dầu thô cũng có năm tăng ấn tượng.
Chứng khoán, giá vàng và dầu thô có năm khởi sắc

Phố Wall kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017 trong sắc đỏ tràn ngập do ảnh hưởng đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính. Cụ thể, trong phiên cuối tuần trước, cổ phiếu Apple giảm 1,08% sau khi hãng nay đưa ra lời xin lỗi về việc làm chậm iPhone cũ; cổ phiếu Amazon giảm 1,4%; cổ phiếu Goldman Sach giảm 0,68%...

Kết thúc phiên 29/12, chỉ số Dow Jones giảm 118,29 điểm (-0,48%), xuống 24.719,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,93 điểm (-0,52%), xuống 2.673,61 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 46,77 điểm (-0,67%), xuống 6.903,39 điểm.

Đà giảm trong phiên cuối tuần khiến phố Wall chấm dứt chuỗi tuần tăng ấn tượng trong đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones mất 0,14%, chỉ số S & P 500 giảm 0,36%, cả 2 chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp; chỉ số Nasdaq cũng đảo chiều giảm 0,81% sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Dù điều chỉnh trong tuần cuối cùng của năm, nhưng chỉ số Dow Jones và S&P 500 vẫn có tháng tăng thứ 9 liên tiếp với mức tăng lần lượt 1,84% và 0,98% trong tháng 12; chỉ số Nasdaq cũng có tháng tăng thứ 6 liên tiếp với mức tăng 0,43% trong tháng 12.

Trong quý IV, chỉ số Dow Jones tăng 10,33%, chỉ số S&P 500 tăng 6,12% và chỉ số Nasdaq tăng 6,27% - quý tăng thứ tư liên tiếp trong năm nay của phố Wall.

Với chuỗi tháng tăng ấn tượng trong năm 2017 nhờ chính sách giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, chứng khoán Mỹ đã có năm tăng điểm tốt nhất từ 2013. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 25,08%, chỉ số S&P 500 tăng 19,42% và chỉ số Nasdaq tăng 28,24%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong khi chứng khoán Anh tăng vọt trong những phút cuối phiên để thiết lập đỉnh cao mới, thì chứng khoán Đức và Pháp lại nới rộng đà giảm do ảnh hưởng từ Italia khi Tổng thống nước này giải tán quốc hội và ấn định ngày bầu cử vào 4/3.

Kết thúc phiên 29/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 64,89 điểm (+0,85%), lên 7.687,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 62,30 điểm (-0,48%), xuống 12.917,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,86 điểm (-0,50%), xuống 5.312,56 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần trái chiều, trong khi chỉ số FTSE 100 có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,25%, thì chỉ số DAX có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 1,19% và chỉ số CAC 40 cũng đảo chiều giảm 0,97% sau tuần tăng nhẹ 0,29% trước đó.

Trong tháng 12, chỉ số FTSE tăng 4,93%, chỉ số DAX giảm 0,82% và chỉ số CAC 40 giảm 1,12%. Trong quý IV, chỉ số FTSE tăng 4,27%, chỉ số DAX tăng 0,69%, trong khi chỉ số CAC 40 giảm 0,32%

Dù điều chỉnh trong tuần cuối năm, nhưng chứng khoán châu Âu cũng có được năm tăng điểm ấn tượng. Cụ thể, chỉ số FTSE tăng 7,63%, chỉ số DAX tăng 12,51% và chỉ số CAC 40 tăng 9,26%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm nhẹ trong ngày giao dịch cuối cùng của năm, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vẫn tăng tốt do dòng tiền của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn chảy mạnh vào thị trường, bất chấp tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chậm lại trong tháng 12.

Kết thúc phiên 29/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 19,04 điểm (-0,08%), xuống 22.764,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 55,44 điểm (+0,19%), lên 29.919,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,59 điểm (+0,35%), lên 3.307,97 điểm.

Cũng giống chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng có tuần trái chiều trong tuần giao dịch cuối năm. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 đảo chiều giảm 0,6%, còn chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,15% và 0,32%.

Trong tháng 12, chỉ số Nikkei vẫn có mức tăng nhẹ 0,18%, chỉ số Hang Seng tăng 2,54%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 1,88%. Trong quý IV, diễn biến cũng tương tự như tháng 12 khi chỉ số Nikkei 225 và Hang Seng tăng lần lượt 11,83% và 8,58%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 1,23%.

Tuy nhiên, trong cả năm 2017, cả 3 chỉ số này đều có mức tăng tốt, nhất là chỉ số Hang Seng với mức tăng lên tới gần 36%, chỉ số Nikkei 225 tăng 19,1%, chỉ số Shanghai Composite khiêm tốn nhất với mức tăng chỉ 6,59%.

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần, cũng là phiên cuối năm khi chứng khoán giảm, cùng đồng USD tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất gần 3 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 29/12, giá vàng giao ngay tăng 7,8 USD/ounce (+0,60%), lên 1.302,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 12,1 USD/ounce (+0,93%), lên 1.309,3 USD/ounce.

Với chuỗi tăng liên tiếp trong tuần, giá vàng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với biên độ tăng mạnh hơn 2 tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,2% và giá vàng tương lai tăng 2,39% (tuần trước, giá vàng lần lượt tăng 1,55% và 1,53%, tuần trước nữa tăng dưới 1%).

Với chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, giúp giá vàng đóng cửa tháng cuối năm với mức tăng lần lượt 2,19% và 2,84% và qua đó cũng giúp kéo lại hết những gì đã mất trong các tháng trước đó để kết thúc quý IV với mức tăng lần lượt là 1,81% và 2,09%.

Với 3 quý tăng giá, chỉ có quý II giảm nhẹ, giá vàng đã có năm tăng ấn tượng với mức tăng lần lượt là 13,17% và 13,68% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010.

Với nguy cơ lạm phát và đồng USD giảm, giới phân tích và nhà đầu tư đều dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 23 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 15 người, chiếm 65% dự báo giá vàng sẽ tăng trong năm 2018, có 7 người, chiếm 30% dự báo giảm và 1 người còn lại, chiếm 4% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 1.527 lượt người tham gia, có 975 lượt, chiếm 64% dự báo giá vàng sẽ tăng trong năm 2018. Trong đó, có 360 lượt, chiếm 24% dự báo giá vàng sẽ tăng lên trên 1.500 USD/ounce trong năm nay; 264 lượt, chiếm 17% dự báo giá vàng sẽ trong khoảng 1.400 - 1.499 USD/oucne; 351 lượt, chiếm 23% dự báo giá vàng sẽ dao động trong vùng 1.300 - 1.399 USD/ounce.

Có 552 lượt bình chọn, chiếm 36% dự báo giá vàng sẽ giảm trong năm nay. Trong đó, có 82 lượt, chiếm 5% dự báo giá vàng dao động trong khoảng 1.200 - 1.299 USD/ounce; 26 lượt, chiếm 2% dự báo giá vàng giảm xuống vùng 1.100 - 1.199 USD/oucne; 444 lượt, chiếm 29% dự báo giá vàng thậm chí còn xuống dưới ngưỡng 1.100 USD/ounce khi kết thúc năm 2018.

Cũng giống với giá vàng, dầu thô cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối năm trong sắc xanh nhờ nhu cầu tăng và hàng tồn kho giảm.

Kết thúc phiên 29/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,58 USD (+0,97%), lên 60,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,45 USD (+0,68%), lên 66,62 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,34%, giá dầu thô Brent tăng 2,10% - tuần tăng thứ 2 liên tiếp sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Với 2 tuần tăng mạnh, trong khi 2 tuần giảm đầu tháng chỉ ở mức khiêm tốn, giá dầu thô có tháng tăng tốt trong tháng 12 với mức tăng lần lượt là 5,28% và 5,56%. Qua đó, giúp đà tăng trong quý IV rất mạnh với 16,93% và 15,78%. Trong năm 2017, giá dầu thô Mỹ tăng 12,47%, trong khi giá dầu thô Brent tăng 18,69% nhờ Nga và OPEC thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục