Chứng khoán, giá vàng lình xình trước kỳ nghỉ lễ

(ĐTCK) Cả thị trường chứng khoán và vàng đều có những phiên giao dịch lình xình khi tâm lý tâm lý nghỉ ngơi và thận trọng của nhà đầu tư đang lên cao trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới đang đến gần.
Chứng khoán, giá vàng lình xình trước kỳ nghỉ lễ

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm nhẹ trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bán lẻ sau thông tin từ CNN về việc nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết sẽ đánh thuế nhập khẩu nhiều hơn 10%.

Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 của hoạt động kinh tế Mỹ tăng 0,2% trong tháng 11, thấp hơn mức dự báo tăng 0,3%.

Sau thông tin này, cổ phiếu của Home Depot giảm 1,02% và Wal-Mart Stores mất 2,32%, kéo các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp.

Ngoài ra, phố Wall cũng ảnh hưởng khi cổ phiếu Apple giảm 0,66% sau thông tin Nokia cho biết, đã khởi kiện nhà sản xuất iphone vi phạm bằng sáng chế.

Tuy nhiên, đà giảm chỉ ở mức khiêm tốn khi thị trường nhận được thông tin tốt hỗ trợ. Cụ thể, một báo cáo mới công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý III tốt hơn công bố ban đầu với GDP tăng 3,5% so với mức tăng 3,2% như công bố trước đó.

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Dow Jones giảm 23,08 điểm (-0,12%), xuống 19.918,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,22 điểm (-0,19%), xuống 2.260,96 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 24,01 điểm (-0,44%), xuống 5.447,42 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên lình xình trong ngày thứ Năm khi nhà đầu tư thận trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,26 điểm (+0,32%), lên 7.063,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 12,54 điểm (-0,11%), xuống 11.456,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,81 điểm (+0,02%), lên 4.834,63 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên thứ Năm từ mức cao nhất 1 năm khi nhà đầu tư chốt lời để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ kéo dài. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại giảm mạnh do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu thép, than đá và ảnh hưởng từ sự sụt giảm của cổ phiếu các công ty Trung Quốc đại lục đang niêm yết trên sàn này.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc chỉ tăng nhẹ trong phiên khi sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip bị san lấp bởi thông tin về vụ bê bối trái phiếu giả mạo.

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 16,82 điểm (-0,09%), xuống 19.427,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 173,60 điểm (-0,80%), xuống 21.636,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,13 điểm (+0,07%), lên 3.139,56 điểm.

Cũng tương tự thị trường chứng khoán, tâm lý thận trong trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới khiến diễn biến trên thị trường vàng khá ảm đạm. Giá vàng chủ yếu đi ngang trong phiên thứ Năm trước khi đóng cửa tiếp tục có phiên giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 22/12, giá vàng giao ngay giảm 3 USD (-0,27%), xuống 1.128,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 giảm 2,5 USD (-0,22%), xuống 1.130,7 USD/ounce.

Sau phiên giảm hôm thứ Tư, giá dầu thô đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm sau dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực và nhà đầu tư kỳ vọng các nhà sản xuất sẽ chấp hành thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa đạt được để hạn chế bớt nguồn cung.

Kết thúc phiên 22/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,46 USD/thùng (+0,88%), lên 52,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,59 USD (+1,08%), lên 55,05 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục