Theo báo cáo việc làm vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước, số việc làm tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 5 chỉ là 138.000 việc làm, thấp hơn con số dự báo 185.000 việc làm của các nhà kinh tế. 2 tháng trước đó, số việc làm tạo thêm được điều chỉnh giảm 66.000 việc làm so với báo cao ban đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,3%, mức thấp nhất kể từ 5/2001, chủ yếu là có 429.000 người ra khỏi độ tuổi lao động.
Dù báo cáo việc làm gây thất vọng, nhưng với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ và sản xuất công nghiệp vẫn giúp phố Wall tiếp tục tăng điểm và có phiên thứ 2 liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới trong phiên cuối tuần.
Dù dữ liệu việc làm gây thất vọng, nhưng giới phân tích vẫn dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 này. Bởi, nền kinh tế cần phải tạo ra 75.000 - 100.000 việc làm mỗi tháng để theo kịp với sự tăng trưởng trong dân số ở độ tuổi lao động. Do đó, con số vừa công bố, vẫn trên mục tiêu này, trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất 16 năm, nên khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 6 này vẫn rất cao.
Kết thúc phiên 2/6, chỉ số Dow Jones tăng 62,11 điểm (+0,29%), lên 21.206,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,01 điểm (+0,37%), lên 2.439,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 58,97 điểm (+0,94%), lên 6.305,80 điểm.
Với những phiên tăng điểm tích cực cuối tuần nhờ dữ liệu kinh tế tích cực, phố Wall có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,60%, chỉ số S&P 500 tăng 0,96% và chỉ số Nasdaq tăng 1,54%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dòng chảy vốn duy trì mạnh giúp chứng khoán khu vực này tăng điểm tốt trong phiên cuối tuần. Trong đó, dữ liệu bán hàng của Mỹ tốt hơn dự kiến, giúp nhóm cổ phiếu ô tô của khu vực, nhất là tại Đức tăng mạnh, hỗ trợ đắc lực cho chỉ số DAX.
Tuy vậy, các chỉ số của khu vực châu Âu không duy trì được mức điểm cao nhất ngày khi dữ liệu việc làm của Mỹ gây thất vọng, làm gia tăng nỗi lo về triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau khi tăng trưởng chậm lại trong quý I.
Kết thúc phiên 2/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,86 điểm (+0,05%), lên 7.547,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 158,02 điểm (+1,25%), lên 12.822,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 24,74 điểm (+0,47%), lên 5.343,41 điểm.
Sau chuỗi tuần tăng liên tiếp, chứng khoán Anh đã hạ nhiệt trong tuần qua và nhờ 2 phiên hồi phục cuối tuần, giúp chỉ số FTSE 100 không đổi so với cuối tuần trước. Trong khi đó, chỉ số DAX đảo chiều tăng mạnh 1,75% sau 2 tuần giảm liên tiếp, chỉ số CAC 40 quay tiếp tục tăng 0,13%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,15% của tuần trước đó.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế đầy triển vọng của Mỹ được công bố trong ngày trước đó giúp đồng yên giảm so với đồng USD và kéo chứng khoán Nhật Bản tăng vọt trong phiên cuối tuần. Phiên tăng mạnh cuối tuần giúp chỉ số Nikkei 225 lần đầu tiên lấy lại được mốc kháng cự quan trọng 20.000 điểm kể từ tháng 12/2015.
Sự hứng khởi của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước cũng giúp chứng khoán Hồng Kông duy trì đà tăng, leo lên mức cao nhất gần 2 năm. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều tăng trở lại trong ít phút cuối phiên cuối tuần, qua đó hãm bớt đà giảm trong tuần qua.
Kết thúc phiên 2/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 317,25 điểm (+1,60%), lên 20.177,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 114,83 điểm (+0,44%), lên 25.924,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,36 điểm (+0,11%), lên 3.105,98 điểm.
Với những phiên tăng điểm ấn tượng cuối tuần, chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng gia tăng thêm chuỗi tuần tăng ấn tượng của mình, trong khi chứng khoán Trung Quốc quay đầu điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,49%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,11% và chỉ số Hang Seng giảm 0,13%.
Bất chấp khả năng Fed tăng lãi suất vẫn cao, nhưng việc dữ liệu việc làm thất vọng của Mỹ vừa được công bố, vẫn là một thông tin hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Trong phiên cuối tuần, giá vàng đã bật tặng mạnh ngay sau dữ liệu việc làm được công bố.
Kết thúc phiên 2/6, giá vàng giao ngay tăng 13,1 USD (+1,04%), xuống 1.278,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 11,5 USD (+0,90%), lên 1.278,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 11,4 USD/ounce (+0,90%), lên 1.281,5 USD/ounce.
Phiên hồi phục mạnh cuối tuần đã giúp giá vàng duy trì đà tăng trong tuần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 0,93%, giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,82% và giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,79%.
Giới đầu tư tiếp tục có cái nhìn lạc quan với diễn biến của giá vàng trong tuần này, thậm chí cái nhìn của giới phân tích còn tích cực hơn tuần trước.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 18 chuyên gia thị trường trả lời, có tới 16 người, chiếm 80% đánh giá tích cực về giá vàng, cao hơn con số 72% của tuần trước. Trong khi đó, không có người nào dự báo giá vàng sẽ giảm và 2 người còn lại, chiếm tỷ lệ 20% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.
Trong tuần này, do vẫn đề kỹ thuật, cuộc thăm dò trực tuyến đã không được thực hiện. Trong tuần trước đó, có 62% dự đoán giá vàng sẽ tăng 28% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 10% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, giá dầu thô quay đầu giảm hơn 1% trong phiên cuối tuần, qua đó có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi giới đầu tư lo ngại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định Paris (hiệp định khí chống biến đổi khí hậu quốc tế), khiến dầu thô của Mỹ gia tăng.
Kết thúc phiên 2/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,70 USD/thùng (-1,47%), xuống 47,66 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,68 USD (-1,36%), xuống 49,95 USD/thùng.
Trong khi chứng khoán, giá vàng có duy trì sự thăng hoa, thì giá dầu thô có tuần giảm thứ 2 liên tiếp do lo ngại về dư cung. Thậm chí, đà giảm trong tuần qua còn mạnh gấp ba so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 4,30%, giá dầu thô Brent giảm 4,22%.