Sau khi tăng điểm tốt trong phiên đầu tuần, đặc biệt là Nasdaq khởi sắc sau kết quả kinh doanh khả quan của nhóm cổ phiếu công nghệ, phố Wall tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên thứ Ba và lần này là ở cả 3 chỉ số.
Thông tin hỗ trợ để phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Ba vẫn đến từ kết quả kinh doanh khả quan của nhóm công nghệ. Tuy nhiên, đà tăng trong phiên 2/5 bị hãm lại khá mạnh do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô lao dốc.
Ngoài ra, sau khi tăng mạnh trước đó, cổ phiếu Apple đã giảm hơn 1% trong phiên thứ Ba sau báo cáo doanh số bán iPhone đột ngột giảm trong quý I. Cổ phiếu của 2 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ là Ford và General Motors cũng giảm mạnh 4,4% và 2,9% sau dữ liệu doanh số bán xe mới của Mỹ giảm trong tháng 4.
Dù Apple điều chỉnh vào cuối phiên, nhưng chỉ số S&P công nghệ vẫn có phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,3%.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Dow Jones tăng 36,43 điểm (+0,17%), lên 20.949,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,84 điểm (+0,12%), lên 2.391,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,76 điểm (+0,06%), lên 6.095,37 điểm.
Tương tự phố Wall, sau kỳ nghỉ lễ 1/5, chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố và dữ liệu kinh tế vừa công bố cho thấy đà hồi phục vững chắc của kinh tế khu vực đồng euro.
Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, hoạt động sản xuất của khu vực đồng euro (chỉ số PMI) đạt mức cao nhất 6 tháng trong tháng 4 nhờ nhu cầu mạnh, dù giá cả tăng.
Trong đó, chỉ số DAX của Đức tăng lên mức cao nhất lịch sử, còn chỉ số CAC 40 của Pháp cũng leo lên mức cao nhất 10 năm.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 46,11 điểm (+0,64%), lên 7.250,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 69,89 điểm (+0,56%), lên 12.507,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,82 điểm (+0,70%), lên 5.304,15 điểm.
Giống như chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng tăng điểm mạnh trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5 để lên mức cao nhất 6 tuần. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ nhờ lợi nhuận khả quan của ngành công nghệ và lo ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giảm. Dù đà tăng bị giới hạn do dữ liệu kinh tế kém tích cực của Trung Quốc đại lục, nhưng chỉ số Hang Seng vẫn lên mức cao nhất 21 tháng.
Trong khi đó, dữ liệu chỉ số PMI tháng 4 vừa công bố cho thấy, tăng trưởng khu vực sản xuất của Trung Quốc chậm lại trong tháng 4 do giá nguyên vật liệu tăng và các chính sách thắt chặt tiền tệ của Bắc Kinh nhằm giảm sự rủi ro tài chính của nền kinh tế.
Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 135,18 điểm (+0,70%), lên 19.445,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 81,00 điểm (+0,33%), lên 24.696,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,95 điểm (-0,35%), xuống 3.143,71 điểm.
Trên thị trường vàng, giá vàng có phiên giao dịch khá bình lặng khi chỉ lình xình ở sát mức giá đóng cửa của phiên đầu tuần. Chốt phiên thứ Ba, giá vàng gần như không thay đổi so với phiên trước đó. Giới đầu tư đang tỏ ra thận trọng để chờ đợi cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed (FOMC) sẽ họp trong tuần này. Ngoài ra, còn có dữ liệu quan trọng khác là báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu.
Kết thúc phiên 2/5, giá vàng giao ngay tăng 0,8 USD (+0,06%), lên 1.256,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,5 USD (+0,12%), lên 1.257,0 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô lại có phiên lao dốc khá mạnh sau báo cáo về gia tăng sản lượng của Mỹ, Canada, Lybia. Trong đó, giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2017, xóa hết những gì đã có được trước đó sau khi OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi cuối năm 2016.
Kết thúc phiên 2/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,18 USD/thùng (-2,48%), xuống 47,66 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,06 USD (-2,10%), xuống 50,46 USD/thùng.