Chứng khoán đồng loạt tăng bất chấp dầu thô lao dốc

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần trước, chứng khoán toàn cầu đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, trong đó phố Wall tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, bất chấp giá dầu thô lao dốc 4% do sự không chắc chắn về thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.
Phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới (Ảnh minh họa: AFP)

Sau 1 phiên nghỉ lễ Tạ ơn hôm thứ Năm, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch thứ Sáu (giao dịch nửa phiên) – ngày Black Friday nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiêu dùng với kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận của các nhà bán lẻ sẽ tăng vọt nhờ sự kiện này.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm tốt trong phiên cuối tuần, trong đó Dow Jones và S&P 500 tiếp thục thiết lập mức cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Dow tăng 68,96 điểm (+0,36%), lên 19.152,14 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,63 điểm (+0,39%), lên 2.213,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,24 điểm (+0,34%), lên 5.398,92 điểm.

Với liên tiếp các phiên tăng và thiết lập mức cao kỷ lục tới, phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp ở cả 3 chỉ số chính. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,51%, chỉ số S&P 500 tăng 1,44%, chỉ số Nasdaq tăng 1,45%.

Chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng nhẹ trong ngày giao dịch cuối tuần nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu dược phẩm với thông tin mua bán, sáp nhập, lên mức cao nhất 2 tuần.

Cổ phiếu của Actelion tăng 16,8%, lên mức cao kỷ lục sau khi công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ khẳng định, đang nhận được sự quan tâm của Johnson & Johnson và các cuộc thảo luận đã được tiến hành.

Actelion là mục tiêu thâu tóm từ nhiều năm nay và nhà đầu tư không chắc chắn một thỏa thuận có thể đạt được, trong khi giới phân tích cũng bày tỏ một số hoài nghi về sự sẵn sàng bán lại công ty của nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Actelinon Jean-Paul Clozel.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,55 điểm (+0,17%), lên 6.840,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 10,01 điểm (+0,09%), lên 10.699,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,71 điểm (+0,17%), lên 4.550,27 điểm.

Tương tự, chứng khoán cũng có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp với chỉ số FTSE 100 tăng 0,96%, chỉ số DAX hồi phục 0,33% và chỉ số CAC 40 tăng 1,02%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng USD tăng mạnh so với đồng yên giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng phục hồi tốt trong phiên cuối tuần nhờ dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục với kỳ vọng kết nối sàn Thâm Quyến - Hồng Kông sẽ được triển khai thời gian tới.

Chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên tăng mạnh cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu bluechip đầu ngành tăng mạnh.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 47,81 điểm (+0,26%), lên 18.381,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 114,96 điểm (+0,51%), lên 22.723,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,76 điểm (+0,61%), lên 3.261,49 điểm.

Hưởng lợi từ việc đồng yên giảm, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có tuần tăng điểm ấn tượng sau tuần tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 9 trước đó. Chứng khoán Hồng Kông chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc đảo chiều sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,30%, chỉ số Hang Seng tăng 1,70% và chỉ số Shanghai Composite tăng 2,14%.

Trong khi chứng khoán giao dịch tốt trong phiên cuối tuần, thì giá vàng chủ yếu lình xình và đóng cửa gần như không đổi khi thị trường Mỹ kết thúc sớm. Dù vậy, trong tuần qua, với sức ép của đồng USD mạnh, giá vàng đã liên tiếp có những phiên giảm giá.

Kết thúc phiên 25/11, giá vàng giao ngay giảm 0,3 USD (-0,03%), xuống 1.183,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,9 USD (-0,50%), xuống 1.183,4 USD/ounce.

Trong khi chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng của mình, thì giá vàng lại có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với tổng mức giảm trong 3 tuần hơn 9,5%. Cụ thể, giá vàng giao ngay trong tuần qua giảm 1,97% và giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 1,98%.

Với những diễn biến vừa qua, cả giới phân tích và nhà đầu tư đã có cái nhìn thận trọng hơn về giá vàng trong tuần này. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 15 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 9 người, chiếm 60% cho rằng giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần này, cao hơn con số 50% của tuần trước, trong khi dự báo giá vàng giảm và đi ngang cùng là 3 người, chiếm 20%.

Trong khi đó, trong số 766 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, chỉ có 232 người, chiếm 30% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn so với 44% của tuần trước và mức 72% của tuần trước đó, trong khi có 428 người, chiếm 56% dự báo giảm, cao hơn con số 36% của tuần trước và số người dự báo giá vàng giảm và 106 người, chiếm 14% có quan điểm trung lập hoặc dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Sau mấy phiên lình xình, giá dầu thô đã lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư không chắc chắn về khả năng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô trong cuộc họp vào thứ Tư tuần này.

Một nguồn tin cho biết, Ả Rập Xê út cho rằng, họ sẽ không có cuộc đàm phán vào hôm nay với các nhà sản xuất lớn ngoài OPEC để bàn về cắt giảm sản lượng, bởi nước này muốn có được sự đồng thuận trước với các nước trong OPEC.

Kết thúc phiên 25/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,90 USD/thùng (-4,13%), xuống 46,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,71 USD (-3,62%), xuống 47,24 USD/thùng.

Dù đồng giảm mạnh phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng đầu tuần với kỳ vọng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng giúp giá dầu thô tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,81%, giá dầu thô Brent cũng tăng 0,81%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục