Chứng khoán đồng loạt khởi sắc trở lại, thiết lập đỉnh cao lịch sử

(ĐTCK) Sau phiên điều chỉnh trước đó, chứng khoán Âu, Mỹ đã đồng loạt khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi nhận được hàng loạt thông tin tích cực.
Chứng khoán đồng loạt khởi sắc trở lại, thiết lập đỉnh cao lịch sử

Sau chuỗi phiên lình xình từ cuối tuần trước, phố Wall đã có phiên khởi sắc trong ngày thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhiều thông tin tích cực.

Đầu tiên là các thông tin về thị trường nhà ở, doanh số bán lẻ tăng mạnh được công bố trong ngày đầu tuần. Sang đến ngày thứ Ba, thông tin về niềm tin người tiêu dùng Mỹ cao nhất 17 năm được công bố, tiếp đó là thông tin kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump đã được một ủy ban của Thượng viên Mỹ chấp thuận càng giúp giới đầu tư phố Wall phấn chấn.

Ngoài ra, trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ, ứng viên cho vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell đã bảo vệ sự cần thiết phải giảm nhẹ quy định đối với khu vực tài chính, giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc với chỉ số S&P tài chính tăng 2,6%, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ ngày 1/3/2017.

Với những thông tin hỗ trợ trên, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều tăng vọt trong phiên thứ Ba và đều thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 28/11, chỉ số Dow Jones tăng 255,93 điểm (+1,09%), lên 23.836,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,62 điểm (+0,98%), lên 2.627,04 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 33,84 điểm (+0,49%), lên 6.912,36 điểm.

Những thông tin tích cực từ bên kia bờ Đại Tây Dương cũng giúp các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu tăng vọt về cuối phiên. Trong đó, chứng khoán Anh có phiên khởi sắc với mức tăng hơn 1%, còn chứng khoán Đức và Pháp cũng lấy lại được hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 28/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 76,75 điểm (+1,04%), lên 7.460,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 59,33 điểm (+0,46%), lên 13.059,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 30,39 điểm (+0,57%), lên 5.390,48 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên biến động mạnh, nhưng kết thúc phiên lại ít thay đổi so với mức đóng cửa của phiên trước đó. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản lại tiếp tục có thêm scandal về giả mạo chất lượng sản phẩm và lần này là từ Toray Industries. Sau thông tin giả mạo sản phẩm được đưa ra, cổ phiếu của hãng sản xuất sợi tổng hợp và hàng dệt may này đã giảm 5,3%. Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản được bù đắp bởi nhóm cổ phiếu quốc phòng với việc khả năng cao Triều Tiên thử tiên lửa (khả năng này đã trở thành sự thật vào rạng sáng ngày 29/11 khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo).

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng điểm nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu tiêu dùng và vật liệu. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông dao động theo cổ phiếu Tencent và đóng cửa gần như không đổi khi chốt phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 28/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 9,57 điểm (-0,04%), xuống 22.486,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,34 điểm (-0,02%), xuống 29.680,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,43 điểm (+0,34%), xuống 3.333,66 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường kim loại quý, sau phiên tăng mạnh đầu tuần, lên mức cao nhất 2 năm, giá vàng đã lình xình trở lại trong phiên thứ Ba và đóng cửa gần như không đổi khi chứng khoán đồng loạt khởi sắc và đồng USD hồi phục trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng trong ngày thứ Hai.

Kết thúc phiên 28/11, giá vàng giao ngay giảm 0,6 USD/ounce (-0,05%), xuống 1.293,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,5 USD/ounce (+0,04%), lên 1.294,9 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục có p hiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần khi giới đầu tư không chắc chắn về khả năng OPEC và các nhà sản xuất lớn có thể đạt được thỏa thuận mở rộng cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tuần này. Trong khi đó, một đám cháy xảy ra tại nhà máy lọc dầu công suất 362.300 thùng/ngày của Exxon cũng gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 28/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,84 USD (-1,42%), xuống 58,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 63,84 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục