Chứng khoán đồng loạt điều chỉnh

(ĐTCK) Sau khi tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần trước, trong đó phố Wall thiết lập đỉnh cao mới, các chỉ số khác lên mức cao nhất nhiều tháng, chứng khoán thế giới đã đồng loạt điều chỉnh trở lại trong phiên đầu tuần mới.
Chứng khoán đồng loạt điều chỉnh

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, sau khi thiết lập đỉnh liên tiếp trong 2 phiên cuối tuần trước, các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên đầu tuần mới do cổ phiếu Apple giảm 1%, ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu công nghệ.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dược và y tế đồng loạt giảm mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Tuy nhiên, đà giảm của phố Wall được hãm lại khá nhiều do đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí, bất chấp giá dầu thô giảm và cổ phiếu tài chính ngân hàng khi kỳ vọng về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng nay tăng cao.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones giảm 22,25 điểm (-0,10%), xuống 21.184,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,97 điểm (-0,12%), xuống 2.436,10 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,11 điểm (-0,16%), xuống 6.295,68 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, ngoại trừ chứng khoán Đức nghỉ lễ, chứng khoán châu Âu cũng đồng quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,87 điểm (-0,29%), xuống 7.525,76 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 35,52 điểm (-0,66%), xuống 5.307,89 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, chứng khoán khu vực này cũng đồng loạt điều chỉnh, nhưng mức giảm nhẹ và chỉ số Nikkei 225 vẫn giữ ở mức cao 22 tháng, chứng khoán Hồng Kông cũng chỉ lùi nhẹ so với mức cao 23 tháng. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hơn khi lo ngại về các đợt IPO sẽ hút bớt dòng tiền từ thị trường niêm yết.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 6,46 điểm (-0,03%), xuống 20.170,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 61,06 điểm (-0,24%), xuống 25.862,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,88 điểm (-0,45%), xuống 3.091,66 điểm.

Trên thị trường vàng, trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giá kim loại quý này chỉ dao động lình xình quanh mức giá đóng cửa của phiên cuối tuần trước và đóng cửa gần như không thay đổi. Lúc đầu giá vàng cũng có tín hiệu tăng lên sau thông tin về căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông khi liên minh do Ả Rập Xê út đứng đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng nước này tài trợ cho IS, Tổ chức Anh em hồi giáo và al-Qaeda. Tuy nhiên, với việc đang ở mức kháng cự mạnh của vùng cao nhất 6 tháng, cũng như việc đồng USD tăng trở lại, nên giá vàng không thể  bứt lên, mà chỉ lình xình trong suốt phiên.

Kết thúc phiên 3/6, giá vàng giao ngay tăng 0,8 USD (+0,06%), lên 1.279,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,2 USD/ounce (+0,09%), lên 1.282,7 USD/ounce.

Quan hệ căng thẳng giữa Qatar và liên mình do Ả Rập Xê út cầm đầu (Ả Rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain, Ai Cập) lúc đầu được đưa ra đã giúp giá dầu thô hồi phục tăng 1,6%. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, giới đầu tư lo ngại rằng, sự căng thẳng này sẽ khiến cho việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC bị ảnh hưởng, nên giá dầu thô đảo chiều và tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 3/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,26 USD/thùng (-0,55%), xuống 47,40 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,48 USD (-0,96%), xuống 49,47 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục