Chứng khoán đổ đèo, giá vàng leo dốc

(ĐTCK) Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thời điểm Fed tăng lãi suất, chứng khoán toàn cầu đồng loạt đổ đèo trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, vai trò trú ẩn an toàn gia tăng giúp giá vàng tăng mạnh, vượt qua ngưỡng kháng cự 1.150 USD/ounce.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Dữ liệu kinh tế kém cỏi của Trung Quốc khiến giới đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng trưởng chậm lại và sẽ bị hạ cánh cứng. Sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có vấn đề sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, do đó giới đầu tư toàn cầu, trong đó có phố Wall rất lo sợ và đồng loạt bán tháo ồ ạt trong phiên thứ Năm.

Ngoài ra, giới đầu tư trên phố Wall còn lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed công bố cho thấy, số quan chức của cơ quan này ủng hộ việc tăng lãi suất đã tăng lên.

Trong phiên thứ Năm, phố Wall lao dốc mạnh và dù đã thoát khỏi mức điểm thấp nhất ngày trong những phút cuối, nhưng các chỉ số cũng mất hơn 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2015. Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng 2,5%, lên 19,14 mức cao nhất 6 tuần.

Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Dow Jones giảm 358,04 điểm (-2,06%), xuống 16.990,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,88 điểm (-2,11%), xuống 2.035,75 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 141,56 điểm (-2,82%), xuống 4.877,49 điểm.

Lo ngại về xu thoái kinh tế toàn cầu cũng khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên thứ Năm, đặc biệt là chứng khoán Đức và Pháp. Phiên giảm mạnh hôm thứ Năm đã khiến chứng khoán châu Âu đóng cửa ở mức thấp nhất 7 tháng.

Kết thúc phiên 20/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,56 điểm (-0,56%), xuống 6.367,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 249,96 điểm (-2,34%), xuống 10.432,19 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 100,55 điểm (-2,06%), xuống 4.783,55 điểm.

Bi quan về nền kinh tế chứng khoán Trung Quốc cũng khiến chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh. Chứng khoán Nhật Bản giảm gần 1%, xuống mức thấp nhất gần 6 tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức thấp nhất 8 tháng. Chứng khoán Trung Quốc cũng đảo chiều giảm mạnh hơn 3% sau phiên tăng hơn 1% trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 189,11 điểm (-0,94%), xuống 20.033,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 410,38 điểm (-1,77%), xuống 22.757,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 129,82 điểm (-3,42%), xuống 3.664,29 điểm.

Trong khi chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc, thì vai trò trú ẩn của vàng lại được tăng lên với lo ngại khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngưỡng kháng cự gần nhất của giá vàng là 1.150 USD/ounce đã nhanh chóng được vượt qua một cách dễ dàng trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 20/8, giá vàng giao ngay tăng 19 USD (+1,68%), lên 1.153,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 19,9 USD (+1,76%), lên 1.153,2 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, trong khi giá dầu thô Mỹ hồi phục nhẹ sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 năm rưỡi, thì giá dầu thô Brent tiếp tục giảm mạnh xuống dưới mức 47 USD/thùng.

Kết thúc phiên 20/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,34 USD/thùng (+0,83%), lên 41,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,54 USD (-1,16%), xuống 46,62 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục