Chứng khoán đầy biến động, giá vàng, dầu thô hồi phục

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh trái chiều tiếp tục khiến chứng khoán có phiên giao dịch đầy biến động, trong khi giá vàng và dầu thô phục hồi khi nhận được những thông tin hỗ trợ riêng.  
Kết quả kinh doanh đang tác động chính tới diễn biến của phố Wall trong thời gian này (Ảnh minh họa: AFP)

Kết quả kinh doanh tiếp tục ảnh hưởng lớn tới diễn biến của phố Wall. Trong phiên thứ Năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố trái chiều đã khiến phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động, nhưng cuối cùng vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng và nhà ở giảm mạnh với những kết quả kém khả quan được công bố, trong khi đó, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng tốt với kết quả kinh doanh vượt dự kiến, nhưng cũng chỉ đủ giúp phố Wall hãm bớt đà giảm trong phiên thứ Năm.

Ngoài ra, nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất cũng khiến giới đầu tư phố Wall thận trọng trong phiên này.

Kết thúc phiên 27/10, chỉ số Dow giảm 29,65 điểm (-0,16%), xuống 18.169,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,39 điểm (-0,30%), xuống 2.133,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 34,29 điểm (-0,65%), xuống 5.215,97 điểm.

Trong khi đó, một số chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm khi nhóm cổ phiếu dược phẩm và ngân hàng tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, bù đắp được sự sụt giảm của cổ phiếu các hãng AMEC Foster và Berendsen sau khi các hãng này công bố kết quả kinh doanh không như mong đợi.  

Kết thúc phiên 27/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,48 điểm (+0,41%), lên 6.986,57 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,40 (+0,  07%), lên 10.717,08 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm           1,02 điểm (-0,02%), xuống 4.5         33,57 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh của Canon để biết các tập đoàn lớn của nước này có được hưởng lợi từ việc đồng yên yếu hay không. Trong khi đó, chứng  khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm khá mạnh trong phiên thứ Năm khi thông tin lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 7,7% trong tháng 9 từ mức tăng 19,5% trong tháng trước.

Kết thúc phiên 27/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 55,42 điểm (-0,32%), xuống 17.336,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 193,08 điểm (-0,83%), xuống 23.132,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng giảm 3,96 (-0,13), xuống 3.112,35 điểm.

Sau phiên giảm khá mạnh thứ Tư, giá vàng đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu vàng vật chất sẽ gia tăng khi Ấn Độ vào mùa lễ hội. Tuy nhiên, đà tăng của kim loại quý này bị hạn chế do sức mạnh của đồng USD khi chỉ số USDIndex đang ở mức cao nhất 8,5 tháng.

Kết thúc phiên 27/10, giá vàng giao ngay tăng 1,4 USD (+0,11%), lên 1.268,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,9 USD (+0,23%), lên 1.269,5 USD/ounce.

Tương tự, giá dầu thô cũng phục hồi trở lại sau chuỗi phiên giảm liên tiếp khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh tuần trước.

Tuy nhiên, cũng giống giá vàng, đà tăng của giá dầu thô cũng bị hạn chế do giới đầu tư nghi ngờ về khả năng OPEC và các nước sản xuất khác đạt được thỏa thuận giảm sản lượng, cũng như sức ép từ việc đồng USD tăng mạnh.

Cụ thể, kho dự trữ dầu tại trung tâm giao hàng của Mỹ tại Cushing, Oklahoma giảm 650.000 thùng trong tuần trước.

Hôm thứ Tư, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô trong nước giảm 553.000 thùng trong tuần trước, dù giảm ít hơn dự báo, nhưng đây là tuần giảm thứ 7 trong 8 tuần gần đây, thêm vào hy vọng rằng, sự tái cân bằng thị trường đang diễn ra.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nước trong OPEC muốn có cơ chế đặc thù trong thỏa thuận giảm sản lượng giữ khối này với các nước sản xuất khác, đặc biệt là với Nga.

Kết thúc phiên 27/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,54 USD/thùng (+1,10%), lên 49,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,49 USD (+0,98%), lên 50,47 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục