Chứng khoán đảo chiều, giá vàng tăng vọt

(ĐTCK) Với các thông kinh tế vừa công bố khiến chứng khoán đảo chiều giảm điểm bất chấp giá dầu thô tăng khá mạnh. Điều này đã tạo động lực để giá vàng đảo chiều tăng mạnh trong phiên đầu tuần và giúp kim loại quý có tháng tăng tốt nhất 4 năm.
Phố Wall đã không chịu được sức ép từ lực bán chốt lời trong phiên đầu tuần (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall đã không chịu được sức ép từ lực bán chốt lời trong phiên đầu tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall giằng co trong đầu phiên đầu tuần, sau đó tăng mạnh và duy trì đà tăng khá tốt do sự hỗ trợ của giá dầu. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực chốt lời sau 2 tuần tăng mạnh trước đó, cùng nỗi lo Fed tăng lãi suất khiến phố Wall đảo chiều giảm điểm.

Ngoài ra, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 vừa kết thúc cũng không đưa ra được thông điệp gì quan trọng cũng khiến nhà đầu tư thất vọng.

Bên cạnh đó, các dữ liệu kinh tế mới của Mỹ vừa được công bố như chỉ số ISM Chicago sản xuất của Texas, doanh số bán nhà xây xong không như kỳ vọng cũng khiến phố Wall đảo chiều giảm điểm.

Trong 10 chỉ số thành phần của S&P có tới 9 chỉ số giảm và chỉ có chỉ số tiện ích tăng nhẹ 0,2%, khiến S&P 500 xuống dưới mức trung bình 50 ngày. Chỉ số này vượt qua ngưỡng trung bình 50 ngày lần đầu tiên trong năm trong ngày thứ Năm tuần trước.

Bất chấp giá dầu thô tăng 3% trong phiên đầu tuần, nhưng nhóm cổ phiếu năng lượng vẫn đóng cửa giảm điểm do áp lực chốt lời mạnh diễn ra trên thị trường.

Kết thúc phiên 29/2, chỉ số Dow Jones giảm 123,47 điểm (-0,74%), xuống 16.516,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,82 điểm (-0,81%), xuống 1.932,23 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 32,52 điểm (-0,71%), xuống 4.557,95 điểm.

Trong tháng 2, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,3%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,41% và Nasdaq giảm 1,21%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, thông tin ảnh hưởng mạnh tới thị trường được công bố trong ngày là dữ liệu lạm phát bất ngờ trở nên tiêu cực trong tháng 2, làm gia tăng kỳ vọng ECB sẽ đẩy mạnh hơn nữa có biện pháp kích thích kinh tế.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PoBC) cũng vừa đưa ra quyết định nới lỏng thêm chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt thuộc thêm 50 điểm cơ bản.

Những thông tin trên đã giúp chứng khoán châu Âu hồi phục dần về cuối phiên và 3 trong 3 thị trường chính của khu vực này đã hồi phục thành công, chỉ còn chứng khoán Đức giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 29/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,08 điểm (+0,02%), lên 6.097,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 17,9 điểm (-0,19%), xuống  9.495,4 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 38,98 điểm (+0,90%), lên 4.353,55 điểm.

Trong tháng 2, chỉ số FTSE 100 tăng nhẹ 0,22%, trong khi chỉ số DAX giảm 3,09% và chỉ số CAC 40 giảm 1,44%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng trở lại so với đồng USD sau 3 phiên giảm liên tiếp đã khiến chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm 1% trong phiên đầu tuần.

Trong khi đó, dù PoBC nới lỏng chính sách tiền tệ, cũng không thể giúp chứng khoán Trung Quốc tránh khỏi phiên giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 15 tháng sau khi hồi phục nhẹ phiên cuối tuần trước.

Sự sụt giảm mạnh của chứng khoán Trung Quốc đã khiến chứng khoán Hồng Kông bị ảnh hưởng và đóng cửa phiên đầu tuần với mức giảm 1,3%.

Kết thúc phiên 29/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 161,65 điểm (-1,0%), xuống 16.026,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 252,22 điểm (-1,30%), xuống 19.111,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 79,23 điểm (-2,86%), xuống 2.687,98 điểm.  

Trong tháng 2, chỉ số Nikkei 225 giảm 8,51%, chỉ số Hang Seng giảm 2,9% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,81%.

Những lo sợ của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã hỗ trợ cho thị trường vàng. Ngoài ra, những thông tin về chỉ số ISM Chicago trong cuộc khảo sát kinh doanh, sản xuất Texas và doanh số bán nhà xây xong nhìn chung không mấy khả quan cũng ủng hộ cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trong phiên đầu tuần và có tháng thang mạnh nhất trong 4 năm với mức tăng gần 11%.

Kết thúc phiên 29/2, giá vàng giao ngay tăng 16,5 USD (+1,35%), lên 1.238,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 lên 11,6 USD (+0,95%), lên 1.234,4 USD/ounce.

Dù có khởi đầu không mấy tích cực, nhưng về cuối phiên, giá dầu thô đã hồi phục và có mức tăng tốt trong phiên đầu tuần. Hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu thô vẫn là những thông tin cũ về khả năng nguồn cung được hạn chế.

Kết thúc phiên 29/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,97 USD (+2,87%), lên 33,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent lên 0,87 USD (+2,42%), lên 35,97 USD/thùng. Trong tháng 2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,99%, trong khi giá dầu thô Brent tăng tốt hơn với 3,54%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục