Chứng khoán có thể giúp giảm lạm phát

(ĐTCK-online) Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Giá cả và thị trường, Bộ Tài chính cho rằng, việc lạm phát có thể lên tới 2 con số trong năm nay có nguyên nhân rất lớn từ quản lý điều hành thị trường không tuân theo nguyên lý hoạt động của thị trường, mà chủ yếu còn mang nặng tính hành chính, điều hành chính sách tiền tệ bị động. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Vũ Đình Ánh xung quanh vấn đề này.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh. Tiến sỹ Vũ Đình Ánh.

Ông có nhận xét gì về tình hình lạm phát năm nay so với các năm trước?

Tính đến tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 9,45%, nếu tính tới yếu tố tăng giá xăng dầu vừa qua thì CPI tháng 12 nhiều khả năng sẽ tăng 1,5%. Còn tháng 1 và 2/2008 rơi vào dịp Tết, chỉ số giá thường tăng từ 2-3%. Nếu như lạm phát năm nay đạt mức 2 con số, vào khoảng 11-12% như dự đoán của Tổ điều hành thị trường trong nước tại cuộc họp tuần qua, thì đây là con số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đáng lưu ý là trong 3 năm qua, chúng ta quan tâm nhiều đến việc lạm phát phải thấp hơn tăng trưởng kinh tế và như vậy là năm nay, mục tiêu chúng ta đặt ra không làm được. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này sau khi tăng giá điện, điều chỉnh giá than...

 

Nguyên nhân gây ra lạm phát cũng đã được đề cập nhiều, song theo ông, có những điểm nào cần chú ý từ góc độ quản lý điều hành thị trường?

Chúng ta nói nhiều đến mất cân đối cung cầu, tác động của giá thế giới, thiên tai, nhưng cần phải phân tích rằng, nếu như tác động từ giá thế giới thì đó là tác động gì, như thế nào, tại sao các nước trong khu vực có điều kiện tương đối giống VN lại không chịu tác động mạnh như vậy? Trong khi đó, chưa kể giá dầu thô tăng vọt thì thực chất, VN là nước xuất khẩu dầu thô nên phải được lợi. Một yếu tố đáng chú ý nữa là trong rổ hàng hóa tính CPI, tốc độ tăng cao nhất là lương thực - thực phẩm thì đây lại chủ yếu là những thứ VN tự sản xuất được; thiên tai, dịch bệnh trong năm 2007 cũng không hẳn quá ghê gớm so với thời gian dịch cúm gia cầm hoành hành.

Cá nhân tôi cho rằng, một nguyên nhân lớn gây ra tốc độ phi mã của lạm phát xuất phát từ tác động giá thế giới, nhưng VN chưa tìm được cách ứng xử phù hợp. Điều hành giá cả của VN vẫn theo tư duy cũ, chưa theo nguyên tắc thị trường. Ví dụ như mặt hàng xăng dầu, trước đây Nhà nước đưa ra quan điểm mở cửa, nhưng chỉ mở đầu ra còn đầu nhập khẩu thì chưa, vẫn duy trì 10 đầu mối; khi điều chỉnh giá theo thị trường không ổn thì lại quay về chính sách bù lỗ, khi bù lỗ không chịu được thì lại tăng giá. Một ví dụ khác là hạn chế doanh nghiệp tăng giá bằng biện pháp đi kiểm tra giá bán hàng của doanh nghiệp, thật khó có thể can thiệp hành chính vào thị trường như vậy, mà cần điều chỉnh bằng chính sách hợp lý hơn.

Một nguyên nhân nữa là điều hành chính sách tiền tệ không linh hoạt, trong khi trên thế giới, đồng USD mất giá thì tại VN vẫn duy trì chính sách giữ ổn định tỷ giá, giữ nguyên lãi suất cơ bản tiền đồng. Trong khi vốn nước ngoài đổ vào VN nhiều thì những chính sách như vậy khiến VN trở thành “điểm trũng” đầu tư. Tuy nhiên, do không dự báo sát diễn biến nên chúng ta chưa có những chính sách tốt để hấp thụ nguồn vốn đó. Kết quả là, nếu như 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung VND ra mua USD để tăng dự trữ thì thời điểm này, việc hạn chế mua USD lại đẩy thị trường vào cơn sốt căng thẳng về lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng.

Để hạn chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ là biện pháp cơ bản nhất, chẳng hạn tăng tỷ lệ dự trữ, tăng lãi suất cơ bản...

 

Với TTCK, tác động của lạm phát sẽ thế nào?

Có thể nhìn nhận ở hai yếu tố tích cực và tiêu cực. Thứ nhất, do lạm phát cao, nắm VND sẽ kém giá trị nên nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang nắm giữ các tài sản khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ (đặc biệt là USD). Tuy nhiên, diễn biến của những kênh đầu tư này cũng không mấy thuận lợi, chẳng hạn bất động sản “sốt” giá, vàng bấp bênh, giá ngoại tệ thấp nên nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư mạnh vào chứng khoán và giấy tờ có giá. Đây có thể là một lý do giúp TTCK tăng cầu.

Tuy nhiên, lạm phát cao có thể tác động đến chính sách tiền tệ. Để hút bớt tiền khỏi lưu thông, NHNN có thể thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ, tăng lãi suất cơ bản hay đơn cử như thi hành Chỉ thị 03, gián tiếp cản luồng vốn vào chứng khoán. Ở góc độ doanh nghiệp, khi lạm phát cao, doanh nghiệp có lợi là tăng giá sản phẩm, nhưng khi lạm phát tăng quá cao thì những nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh, và có thể lãi suất ngân hàng tăng cao sẽ có tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp và kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng. Một yếu tố tiêu cực nữa là khi lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thì tăng trưởng cao cũng không còn mấy ý nghĩa và sức hấp dẫn về yếu tố vĩ mô đối với nhà đầu tư bị suy giảm.

Như ông phân tích thì chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn?

Đầu tư chứng khoán cũng không dễ dàng như năm 2006, vì ngoài lãi, nhà đầu tư còn phải bảo toàn vốn. Và thực chất, với tốc độ lạm phát 12%/năm chẳng hạn, nếu nhà đầu tư lãi 10% thì coi như họ vẫn lỗ. Song, năm 2007 là năm lãi suất ngân hàng thực âm, tức lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp hơn mức lạm phát, người gửi tiền tiết kiệm bị thiệt thòi.

Để chống lạm phát, Nhà nước có thể nghĩ đến việc phát triển các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản, để người dân đem tiền đầu tư vào những kênh đó, tức là hút bớt tiền khỏi lưu thông. Để nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước nên tung thêm hàng hóa có giá trị ra TTCK, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn thông qua những đợt IPO.

Ngoài ra, có thể tính đến giải pháp phát hành trái phiếu trong nước và tạo ra thị trường giao dịch sôi động để thu hút ngoại tệ và lượng tiền dư thừa.

Thủy Nguyễn thực hiện.
Thủy Nguyễn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục