Đầu tiên phải xin nói rằng, title bài viết này được trích nguyên văn từ status của lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn trên thị trường, viết trên facebook cá nhân vào lúc 23:08 ngày 13/7, tức là cách đây gần 2 tuần khi mà VN-Index phá đỉnh 7 năm và đang trong xu hướng tăng mạnh mẽ hướng tới một tầm cao mới hơn.
800 điểm với VN-Index chưa xảy ra, chứ không phải không xảy ra, và với những gì diễn ra trong tuần qua thì điểm số đó còn khá xa vời.
Dự báo thì chỉ là dự báo và bản thân người viết status trên cũng ra điều kiện “800 điểm cho năm nay là hoàn toàn có thể” khi “…các bộ ngành thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng cải cách hành chính, xoá bỏ giấy phép con, tất cả nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”.
Sau sự hưng phấn của chuỗi tăng điểm liên tiếp vào đầu tháng 7 này, ngày tiếp theo của nhận định trên (14/7), VN-Index đạt mức cao nhất của 7 năm ở ngưỡng 681,75 điểm, nhưng để rồi sau đó liên tục lao dốc và đóng cửa cuối tuần qua ở ngưỡng 649,87 điểm. Tức là đã mất đi hơn 30 điểm.
Với những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam 16 năm qua, mất 30 điểm trong hơn 1 tuần không có nhiều điều để nói. Một phiên “sập sàn” hoàn toàn có thể làm “bốc hơi” VN-Index nhiều hơn con số trên. Và cũng không nên soi xét quá nhiều vào một dự báo dù là từ người nổi tiếng, vì mỗi ngày phòng phân tích của các công ty chứng khoán đều đưa ra hàng loạt dự báo, và không phải dự báo nào cũng chuẩn.
Câu hỏi cần đưa ra là tại sao sự hưng phấn của chuỗi tăng điểm nửa đầu tháng 7 lại bị gãy một cách nhanh chóng như vậy?
Trong cuộc khảo sát mà tinnhanhchungkhoan.vn thực hiện vào đầu tuần trước, với câu hỏi là: “Thị trường đang tăng điểm rất nhanh, theo bạn đâu là lý do?”, thì sự bất ngờ đã xảy ra. Số phiếu bầu cho đáp án “Bị "kéo" lên, không bền vững” chiếm gấp đôi số phiếu bầu cho đáp án “Không có lý do, tăng là tất yếu”.
Cần nói thêm là khảo sát này được lập vào thời điểm thị trường đang tăng điểm khá tốt.
Dù chỉ là một kết quả tham khảo, nhưng có thể thấy một điều rằng, không nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào tính bền vững của đợt tăng điểm trên. Chỉ có một số mã lớn như HSG, VNM, ngân hàng,… làm trụ kéo chỉ số, còn đa số cổ phiếu vẫn dậm chân tại chỗ, hoặc giảm điểm.
Trong tuần qua có khá nhiều thông tin được coi có thể tác động tới thị trường như xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng, chuyện áp thuế chống phá giá trong ngành thép,… Nhưng liên hệ trực tiếp, không thể nhắc tới “bộ tứ” DRH – TTF – KSB – VIC. Trong đó VIC giảm điểm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ số, nhưng sự giảm điểm được coi là “khá oan” vì nguyên nhân lại từ câu chuyện của Gỗ Trường Thành (TTF).
TTF đã đại hội cổ đông bất thường cuối tuần trước, mọi chuyện cũng được tiết lộ thêm nhưng giải pháp cuối cùng chưa hẳn là đã có việc Tân Liên Phát (công ty con của VIC) sẽ chuyển đổi cổ phiếu để nắm quyền chi phối TTF hay không!
Những câu chuyện cụ thể có thể ảnh hưởng tới chỉ số đã có, đang có và chắc rằng sẽ có. Nhưng nhìn vào tổng thể thị trường, để chỉ số tăng trưởng bền vững cần dựa vào nền tảng kinh tế vĩ mô và chính những doanh nghiệp niêm yết.
Vấn đề là khi thị trường vẫn tồn tại những “sự cố” như MTM hay những cú tăng giá thần tốc (thị giá tăng gấp đôi) của MWG, KSB,… chỉ trong vòng vài tháng, để rồi sau đó lao dốc không phanh thì niềm tin vào thị trường và cách vận hành của nó khó mà có thể bền vững được. Dù tăng nhanh hay giảm nhanh, với nhiều nhà đầu tư vẫn là “vẻ đẹp” vốn có của chứng khoán Việt Nam!