Chứng khoán chiều 24/3: Thoát "thảm họa", niềm tin sẽ trở lại

(ĐTCK) Việc khối ngoại rút mạnh, trong khi dòng tiền trong nước eo hẹp khiến thị trường có cú đổ đèo thót tim trong phiên chiều. Tuy nhiên, nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng, đà rơi đã được hãm lại, các ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng đã không bị xuyên thủng.
Chứng khoán chiều 24/3: Thoát "thảm họa", niềm tin sẽ trở lại

Trong nửa cuối phiên sáng, thông tin về Quỹ VNM ETF tiếp tục bị rút vốn mạnh trong phiên đầu tuần đã tác động tiêu cực tới nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi dòng tiền trong nước đang rất yếu, thì việc khối ngoại liên tiếp rút vốn càng làm cho thị trường khó khăn hơn.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán tháo đã diễn ra, đẩy cả 2 chỉ số lao dốc, VN-Index lao thẳng về mốc nguy hiểm 560, trong khi HNX-Index cũng về sát 82,5. Tuy nhiên, ngay khi các chỉ số về các mốc hỗ trợ này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc, giúp nhiều mã đảo chiều thành công, trong khi đà giảm của thị trường được hãm lại. Thậm chí, các chỉ số còn bật về trên cả điểm đóng cửa của phiên sáng.

Kết thúc phiên giao dịch chiều 24/3, VN-Index giảm 3,46 điểm (-0,61%), xuống 567,43 điểm. Độ rộng của thị trường cũng được thu hẹp hơn so với phiên sáng khi có 66 mã tăng và 152 mã giảm. Thanh khoản hôm nay giảm nhẹ so với phiên hôm qua khi tổng khối lượng giao dịch đạt 91,9 triệu đơn vị, giá trị 1.690,92 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,5 triệu đơn vị, giá trị 133,38 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,62 điểm (-0,74%), xuống 83,32 điểm với 68 mã tăng và 110 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,79 triệu đơn vị, giá trị 592,68 tỷ đồng, cũng giảm so với phiên đầu tuần. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,68 triệu đơn vị, giá trị 97 tỷ đồng.

Nhờ lực cầu bắt đáy, nên nhóm VN30 và HNX30 cũng đỡ tiêu cực hơn phiên sáng khi VN30 đã xuất hiện sáng xanh, trong khi số mã tăng trong nhóm HNX30 cũng nhiều hơn so với phiên sáng. Kết thúc phiên, cả 2 chỉ số này đều giảm hơn 0,7%.

Có chuyển biến tích cực trong phiên chiều nay có thể kể đến VCB và FLC. Trong khi 5 mã ngân hàng khác đều đóng cửa trong sắc đỏ, thì VCB lại một mình lội ngược dòng thành công khi đóng cửa tăng nhẹ 1 bước giá, với 1,64 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, lực mua mạnh cuối phiên, nhất là đợt ATC giúp FLC đóng cửa ở mức 11.800 đồng, tăng 1 bước giá và cũng là mức giá cao nhất trong ngày với 9,4 triệu đơn vị được khớp.

FLC trong thời gian gần đây không xuất hiện sóng như trước do mã này hiện có lượng cổ phiếu lưu hành và nhà đầu tư rất lớn. Trong khi đó, Công ty đang có kế hoạch tăng vốn lên gần 8.400 tỷ đồng, càng khiến nhiều nhà đầu tư không dám mạo hiểm “ôm” lâu

Cũng đảo chiều thành công trong phiên chiều như FLC còn có người anh em HAI khi mã này đóng cửa tăng 2,16%, lên 14.200 đồng với 2,35 triệu đơn vị được khớp.

SAM cũng nhận được lực cầu bắt đáy, nhất là từ lực cầu của khối ngoại, nên đảo chiều tăng giá, đứng ở mức giá cao nhất ngày 13.900 đồng, tăng 2,96% với 1,66 triệu đơn vị được khớp.  Cùng với đó, TSC cũng đã nới rộng đà tăng trong phiên chiều, dù không thể có được phiên tăng trần tiếp theo. Chốt phiên, TSC tăng 2,13%, lên 24.000 đồng với 1,23 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, lực cầu bắt đáy cũng xuất hiện cuối phiên trên sàn HNX khi chỉ số HNX-Index chạm ngưỡng 82,5 điểm. Trong đó, FIT được kéo vượt qua tham chiếu, chốt phiên ở mức giá cao nhất ngày, 19.200 đồng, trên giá tham chiếu 1 bước giá với 4,1 triệu đơn vị được khớp.

KLF có lúc cũng đảo chiều thành công, nhưng cuối cùng vẫn chấm nhận đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá, xuống 10.600 đồng với 5,1 triệu đơn vị được khớp.

Số khác vẫn không thể đảo chiều thành công, nhưng mức giảm đã được hạn chế tới mức tối thiểu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay. Trong đó, trên HNX, khối này bán ròng hơn 1,4 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 20,9 tỷ đồng. Trên HOSE, khối này bán ròng hơn 0,5 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 40,5 tỷ đồng. Như vậy, mức bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hôm nay đã giảm mạnh khoảng 50% so với phiên đầu tuần.

Với tín hiệu từ dòng tiền bắt đáy, dù chưa quá mạnh trong phiên chiều nay, trong khi lực cung giá thấp có dấu hiệu cạn dần sau thời gian dài bán ra, có nhiều lý do để nhà đầu tư có thể hy vọng, thị trường sẽ có phiên hồi phục vào ngày mai.

Dù có thông tin về việc quỹ ETF bị rút vốn, nhưng đó chỉ là hoạt động bình thường của nhà đầu tư nước ngoài khi họ chuyển hướng đầu tư, tìm kiếm kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong ngắn hạn. Về dài hạn, với đánh giá của Bloomberg và dữ liệu vĩ mô tháng 3 vừa công bố, kinh tế Việt Nam có triển vọng sáng sủa và đó chính là yếu tố giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục