Chứng khoán chiều 16/1: Rụt tay

(ĐTCK) Sau những phiên mạnh dạn mua vào trước đó, nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn trong phiên giao dịch cuối tuần, khiến thị trường đảo chiều với thanh khoản sụt giảm.
Chứng khoán chiều 16/1: Rụt tay

Thị trường phiên sáng nay diễn biến lình xình trong khoảng hẹp, thanh khoản sụt giảm khi cả 2 bên mua bán tỏ ra khá thận trọng.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong thời gian qua là ngân hàng, dầu khí tiếp tục điều chỉnh khi bị bán mạnh, trong khi nhóm chứng khoán, bất động sản lại khởi sắc và đồng loạt tăng mạnh.

Tuy nhiên, khi mà HOSE kết  phiên sáng trong sắc đỏ thì HNX lại có được sắc xanh nhờ các cổ phiếu trong HNX30 hoạt động tích cực hơn so với HOSE.

Trong phiên giao dịch chiều 16/1, trong thời gian đầu, có lúc VN-Index đã được kéo vượt qua tham chiếu về gần mốc 579 điểm. Nhưng cũng giống như phiên sáng, áp lực bán lớn đã trực sẵn khi thị trường tăng điểm. Bởi vậy, VN-Index gần như ngay lập tức bị kéo mạnh trở lại. VN-Index không giảm xuống mức thấp nhất trong phiên phần lớn nhờ vào sự vững chắc của nhóm bất động sản.

Đối với HNX, trước áp lực bán mạnh, sắc xanh của sàn này cũng chỉ giữ được trong khoảng 40 phút đầu tiên của phiên chiều, sau đó cũng đảo chiều giảm điểm. Dần về cuối phiên, lực cầu đã không còn mạnh như phiên sáng mà tỏ ra yếu dần, chỉ số HNX-Index theo đó đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Tâm lý thận trọng vẫn được nhà đầu tư thể hiện rõ trong phiên chiều nay, nhất là ở bên nắm giữ tiền mặt. Bởi vậy, không lại khi thanh khoản phiên này đã rớt mạnh so với phiên hôm qua.

Đóng cửa, với 88 mã tăng và 105 mã giảm, VN-Index giảm 2,93 điểm (-0,51%) xuống 574,81 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 2,9 điểm (-0,47%) xuống 614,72 điểm với 8 mã tăng và 16 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 106,5 triệu đơn vị, giá trị 1.725,29 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 2,94 triệu đơn vị, giá trị 100,7 tỷ đồng.

Với 60 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,62%) xuống 85,35 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,89 điểm (-0,53%) xuống 167,07 điểm với 7 mã tăng và 13 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,67 triệu đơn vị, giá trị 726,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không có nhiều thay đổi so với phiên sáng.

Áp lực bán mạnh khiến nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất sáng nay là chứng khoán giảm đi khá nhiều. Chỉ HCM và BSI là giữ được sắc xanh, còn SSI lùi về tham chiếu với 2,5 triệu đơn vị được khớp, AGR giảm nhẹ 100 đồng.

Nhóm dầu khí với biến động tiêu cực từ giá dầu hôm qua, tiếp tục cắm đầu giảm điểm. GAS giảm 1.000 đồng xuống 77.500 đồng/CP. PVD giảm 500 đồng xuống 62.000 đồng/CP. PVT tăng trần phiên trước thì phiên này giảm 300 đồng xuống 14.300 đồng, DPM cũng giảm 200 đồng xuống 32.300 đồng, và cả 2 mã này cùng khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm ngân hàng sau thời gian tăng nóng đã kiệt sức. Các mã EIB, BID, MBB, STB và VCB đồng loạt giảm điểm. Trong đó MBB và BID khớp được 2,85 triệu và 2,25 triệu đơn vị, giảm tương ứng 300 đồng và 200 đồng. Chỉ còn duy nhất CTG còn tăng nhẹ 100 đồng lên 15.300 đồng/CP và khớp 1,18 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm bất động sản vẫn giữ được đà tăng tốt và là động lực chính giúp VN-Index hãm bớt đà giảm. FLC khớp được hơn 15,2 triệu đơn vị, nhưng chỉ còn tăng 1 bước giá lên 11.100 đồng/CP.

Nhưng đáng chú nhất trong nhóm này lại là DLG với thanh khoản tăng vọt đạt 9,5 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 600 đồng lên 11.600 đồng/CP. Có lẽ “cú huých” đối với DLG đến từ dự báo hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2015 với 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận, với nguồn thu chủ yếu đến từ các dự án BOT.

Ngoài ra, các mã như DIG, DXG, HQC, KBC... dù không tăng mạnh nhưng đều có thanh khoản cao. Mã VHG phiên này cũng chỉ đứng tham chiếu và khớp 3,6 triệu đơn vị.

Trên HNX, dù chịu áp lực bán mạnh, nhóm chứng khoán vẫn giữ được đà tăng khá tốt. SHS, KLS, BVS, CTS... vẫn có được sắc xanh. KLS khớp 4,4 triệu đơn vị, tăng 400 đồng lên 11.100 đồng/CP. SHS tăng nhẹ 100 đồng và khớp 2,38 triệu đơn vị. VND, APS đứng tham chiếu và cùng khớp trên 1 triệu đơn vị. VIX sau phiên sáng tăng khá tốt, thì phiên chiều quay đầu giảm 700 đồng xuống 26.100 đồng và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trong nhóm dấu khí, chỉ PVC là còn tăng tối thiểu 1 bước giá và khớp 1,1 triệu đơn vị, còn lại đều giảm điểm hoặc đứng tham chiếu. PVS giảm 600 đồng và khớp 3,09 triệu đơn vị.

Sắc đỏ cũng bao trùm lên nhiều mã lớn như SHB, SCR, KLF, HUT.... Trong đó, KLF giảm 400 đồng xuống 11.700 đồng và khớp lệnh mạnh nhất HNX với 7,76 triệu đơn vị. SHB giảm 2 đồng và khớp 3,59 triệu đơn vị.

Mã FIT phiên này cũng giữ mức tăng tối thiểu lên 17.900 đồng/CP và khớp được 1,77 triệu đơn vị.

Nhìn lại tuần giao dịch này, diễn biến chính trên thị trường vẫn là diễn biến đi ngang, biên độ giao động hẹp. Điểm tích cực là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn nhiều, cho dù thị trường đón nhận thông tin không mấy tích cực từ giá dầu hay Thông tư 36. Hy vọng với tâm lý khá vững này, nhà đầu tư sẽ giao dịch tích cực hơn trong tuần tới.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục