Theo số liệu của công ty cung cấp dữ liệu EPFR, giới đầu tư đã bổ sung thêm trên 3 tỷ USD vào các quỹ đầu tư chứng khoán châu Âu trong tuần tính tới ngày 19/7 vừa qua, nâng dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán khu vực lên hơn 26 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.
Dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán châu Âu gia tăng nhanh chóng
Với sự hậu thuẫn từ môi trường kinh tế phục hồi nhanh, nhân tố quan trọng để giới hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thêm cơ sở để tranh luận về thời điểm thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế, cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và tài nguyên cơ bản trên chỉ số Stoxx 600 của châu Âu đã có màn trình diễn vượt trội so với nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và các tập đoàn dịch vụ công cộng kể từ đầu tháng 7 đến nay.
Việc dòng tiền đổ mạnh vào các tài sản chứng khoán châu Âu trái ngược hoàn toàn với tình thế năm 2016, khi các nhà đầu tư rút trên 100 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán châu Âu trước nỗi lo giảm phát bao trùm trên các thị trường và cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng được củng cố lòng tin sau cuộc họp mới đây của ECB, nơi Chủ tịch Mario Draghi một lần nữa khẳng định, định chế tài chính này không muốn việc thắt chặt các điều kiện tài chính một cách vô ích có thể tác động xấu tới quá trình hồi phục kinh tế của khu vực.
Brian Singer, người đứng đầu Quỹ phân bổ đầu tư tại William Blair, đánh giá các thị trường châu Âu rất “hấp dẫn”, khi đã vượt qua điểm mấu chốt rủi ro của cuộc bầu cử tại Pháp và các thách thức chính trị khác trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong khi đó, các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ lại đang chứng kiến xu hướng dòng tiền không nhỏ bị kéo khỏi thị trường, khi các nhà đầu tư đã rút 840 triệu USD khỏi thị trường chứng khoán nước này trong tuần tính tới ngày 19/7, nâng tổng dòng vốn chảy ra ngoài kể từ cuối tháng 6 đến nay lên đến gần 20 tỷ USD.
Dù tương quan về giá trị các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã tụt lại khá xa so với S&P500 của Mỹ trong một tháng qua, song một phần nguyên nhân là do sự tăng giá của đồng euro so với USD. Trên phương diện tính toán bằng đồng USD, chỉ số CAC 40 của Pháp và Ibex 35 của Tây Ban Nha thậm chí dẫn trước thị trường chứng khoán Mỹ tại cùng thời điểm, trong khi chỉ số DAX của Đức chỉ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm.
Chiến lược gia đầu tư chứng khoán tại State Street Global Advisors, Michael Arone nhận định, trong bối cảnh chính quyền Washington tiếp tục rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc thuyết phục các nghị sỹ hai đảng ủng hộ các chính sách và các biện pháp kích thích tăng trưởng của Tổng thống Donald Trump vẫn bị đình trệ, giới đầu tư đang tìm kiếm các loại cổ phiếu tạo ra lợi nhuận cao hơn trong môi trường chính trị phức tạp tại Mỹ hiện nay.
Và tất nhiên, công nghệ là một trong những lĩnh vực hiếm hoi chứng tỏ được tiềm năng và sức bật của mình trên thị trường. Số liệu chứng khoán Mỹ tuần qua cũng ghi nhận cổ phiếu công nghệ trên S&P 500 đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, vượt qua cả mức đỉnh từng đạt được trong giai đoạn bùng nổ bong bóng dot-com hồi đầu thập niên 2000.