Việc tăng vốn của doanh nghiệp thường được xem là tín hiệu cho thấy giá cổ phiếu đang đạt đỉnh, nhưng dường như đang mất dần tác dụng trong thời đại kích thích tiền tệ toàn cầu ở quy mô chưa từng có.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đạt kỷ lục mới trong tháng 1/2021 ngay cả khi các bên liên quan như doanh nghiệp và các cổ đông lớn ồ ạt phát hành và bán ra cổ phiếu với tổng giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong tháng 1 kể từ năm 2015, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Dữ liệu cho thấy, cổ phiếu của 10 trong số 13 công ty có hoạt động phát hành thêm mạnh nhất đang giao dịch cao hơn mức giá chào bán.
Chẳng hạn, công ty chăm sóc sức khỏe Wuxi Biologics Cayman của Trung Quốc giảm trong thời gian ngắn sau khi công ty mẹ chào bán cổ phiếu với mức giá thấp hơn thị giá thời điểm đó và thu về 1,27 tỷ USD, nhưng sau đó lại tăng lên mức cao kỷ lục. Hiện giá cổ phiếu này đã tăng 26% so với giá chào bán.
Một số nhà sản xuất thuốc nhỏ hơn của Trung Quốc cũng tương tự. Innovent Biologics và InnoCare Pharma được niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đang giao dịch cao hơn 9,6% và 4,3% so với mức giá tương ứng mà công ty chào bán cổ phiếu để tăng vốn.
Steven Leung, Giám đốc điều hành tại Uob Kay Hian (Hồng Kông) cho biết: “Tâm lý thị trường rất mạnh mẽ, việc tăng vốn của doanh nghiệp từng là một chỉ báo tốt để thể hiện xu hướng giá cổ phiếu đạt đỉnh, nhưng kể từ năm 2019, chỉ báo này ít có hiệu quả trong việc thể hiện điều đó”.
“Với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đang diễn ra, kỳ vọng về một gói tài chính mới ở Mỹ và dữ liệu tăng trưởng tích cực từ Trung Quốc, thị trường cổ phiếu vẫn hấp dẫn đối với các nhà phát hành và nhà đầu tư Trung Quốc,” Francesco Lavatelli, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương tại JPMorgan cho biết.
Tương tự, cổ phiếu của Doosan Fuel Cell (Hàn Quốc) đóng cửa ở mức 62.500 won vào thứ Sáu (22/1). Con số đó cao hơn 21% so với mức giá 51.500 won khi 10 thành viên trong gia đình lãnh đạo doanh nghiệp bán 5,33 triệu cổ phiếu trong một giao dịch thoả thuận vào ngày 5/1. Cổ phiếu của Doosan đã tăng 522% vào năm 2020.
Hoạt động phát hành thêm của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán châu Á đã bùng nổ sau khi thị trường cổ phiếu phục hồi sau đại dịch vào đầu năm ngoái, với tổng giá trị lượng phát hành thêm và cổ đông lớn/lãnh đạo bán ra trong năm 2020 lên tới gần 64 tỷ USD, nhiều nhất trong 8 năm. Tuy nhiên, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 17% với hiệu suất hàng năm tốt nhất kể từ năm 2017.
Diễn biến chỉ số và hệ số P/E của chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương |
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hiện đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng khoảng 18 lần, mức cao nhất kể từ năm 2009. Một số nhà đầu tư nhận thấy mức định giá cao cùng với lợi suất trái phiếu và giá hàng hóa tăng chính là mối đe dọa đối với sự phục hồi của châu Á.
Trong tháng này, gần 80% tổng giá trị cổ phiếu phát hành thêm, hoặc cổ đông lớn/cổ đông nội bộ bán ra trên thị trường chứng khoán châu Á là ở Hồng Kông, vì trung tâm tài chính này đang được hưởng lợi từ dòng tiền khổng lồ của Trung Quốc đại lục.
Giá trị cổ phần do các cổ đông của các công ty công nghệ sinh học bán ra chiếm 41% tổng số cổ phần của châu Á. Một bên liên quan của Haidilao International Holding, một chuỗi nhà hàng lẩu Trung Quốc đã huy động được 608 triệu USD.
“Các tổ chức phát hành đã muốn kiếm tiền từ một môi trường cho phép các giao dịch được định giá chặt chẽ dựa trên nhu cầu cơ bản mạnh mẽ và vẫn tạo ra hoạt động sau thị trường tích cực,” Alex Abagian, đồng giám đốc bộ phận thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương tại JP Morgan cho biết.