Chethan Seth, chiến lược gia về cổ phiếu của Nomura cho biết, ngân hàng hiện kỳ vọng chỉ số này sẽ ở mức 700 điểm vào cuối năm nay – cao hơn 8% so với mức hiện tại tính đến ngày 21/2.
“Chúng tôi cho rằng, định giá cổ phiếu châu Á vẫn còn khiêm tốn, tỷ lệ P/E của khu vực là 12,9 bất kể đà phục hồi so với mức định giá thị trường của Mỹ là 18,5”, chiến lược gia Chethan Seth cho biết.
Theo Chiến lược gia Chethan Seth, sự phục hồi kinh tế và thu nhập của Trung Quốc sẽ hỗ trợ thêm cũng như đà phục hồi của lĩnh vực công nghệ, chip nhớ và chất bán dẫn vào nửa cuối năm nay.
Ông cũng cho biết, dữ liệu gần đây của Mỹ đã cho thấy những bất ổn tiếp theo đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
“Trong ngắn hạn, chứng khoán châu Á sẽ không thích sự không chắc chắn này, do đó chúng tôi dự đoán sẽ có một số biến động ngắn hạn cho đến khi xu hướng trong dữ liệu được hình thành trở lại”, ông cho biết.
Sau khi Phố Wall vừa có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong năm nay, Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPMorgan Asset Management cho biết: “Thị trường lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Tôi nghĩ rằng, mối quan tâm lớn hơn vào lúc này là về triển vọng lợi nhuận và mức độ thực sự mà lợi nhuận sẽ sụt giảm từ thời điểm này so với sự không chắc chắn xung quanh khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ”.
JPMorgan cũng dự đoán chỉ số MSCI Châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản sẽ đạt mức 700 trong năm nay.
“Chỉ số có thể giảm trong quý III - do lo ngại về khả năng phục hồi vĩ mô - trước khi phục hồi vào cuối năm 2023 để bước vào giai đoạn tăng trưởng toàn cầu đồng bộ vào năm 2024”, Wendy Liu, Giám đốc chiến lược chứng khoán châu Á và Trung Quốc của JPMorgan cho biết.
Sự không chắc chắn phía trước
Nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế đã xuất hiện đối với khu vực đồng euro và Mỹ sau khi các ngân hàng trung ương toàn cầu mạnh tay tăng lãi suất để chế ngự lạm phát. Những điều không chắc chắn xung quanh việc Trung Quốc thay đổi chính sách Zero Covid cũng tiếp tục kéo dài.
Minyue Liu, chuyên gia đầu tư của BNP Paribas về chứng khoán thị trường mới nổi toàn cầu và châu Á cho biết: “Những bất ổn này có nhiều khả năng làm sứt mẻ hơn là làm chệch hướng các lực lượng tích cực mang tính cấu trúc mà chúng ta thấy ở các nền kinh tế châu Á”.
“Mức định giá khiêm tốn, tỷ trọng cổ phiếu thấp và các nguyên tắc cơ bản tốt là những bộ đệm giúp chứng khoán châu Á chịu được sự biến động trong ngắn hạn”, nhà phân tích Minyue Liu cho biết.
Ngoài ra, nhu cầu nội địa trong khu vực sẽ là “động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” và khối lượng thương mại được kỳ vọng sẽ phục hồi khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Yếu tố Trung Quốc
Các chính sách của Trung Quốc sẽ tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa cho thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết, đợt sụt giảm mới nhất của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương có thể là do các nhà đầu tư đã quá hưng phấn khi tham gia vào việc kỳ vọng mở cửa trở lại ở Trung Quốc.
“Sự sụt giảm của thị trường châu Á trong tháng 2 có thể là do sự điều chỉnh kỹ thuật sau đợt phục hồi kéo dài nhiều tháng do thị trường đã mua quá mức khi Trung Quốc bắt đầu chấm dứt chính sách Zero Covid, điều này đã thúc đẩy sự lạc quan phục hồi trước khi thực sự nhìn thấy một kết quả đầy hứa hẹn về đà phục hồi kinh tế của đất nước”, nhà phân tích Tina Teng cho biết.
“Tôi vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán châu Á sẽ vượt trội so với các thị trường chứng khoán Mỹ sau đợt điều chỉnh ngắn hạn về việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023”, bà cho biết thêm.
John Woods, Giám đốc đầu tư của Credit Suisse cho biết, các nhà đầu tư trong nước của Trung Quốc có thể là nhân tố chính thúc đẩy đà tăng giá hơn nữa.
“Một phần còn thiếu trong đợt tăng giá cổ phiếu của Trung Quốc cho đến nay là sự tham gia thấp của các nhà đầu tư trong nước, điều mà chúng tôi kỳ vọng sẽ đảo ngược khi dữ liệu kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện. Chúng tôi dự đoán động lực vĩ mô sẽ kéo dài sang quý II, điều này sẽ tạo thêm đà tăng cho cổ phiếu”, ông cho biết.