Chất xúc tác vốn ngoại
VN-Index đã tăng 130 điểm trong 6 phiên liên tiếp, với chất xúc tác chính tạo nên sự bùng nổ xuất phát từ dòng tiền khối ngoại. Khối này có hiện tượng giải ngân bất chấp giá và đẩy thị trường tăng nóng. Chỉ trong tháng 11 vừa qua, gần 17.000 tỷ đồng từ nước ngoài đã đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự tham gia quyết liệt của khối ngoại bắt nguồn từ tình trạng thanh khoản thiếu hụt tại Việt Nam, khiến nhà đầu tư trong nước không đủ nguồn lực để tham gia mua, dù mặt bằng giá cổ phiếu ở mức thấp. Tình trạng thiếu hụt thanh khoản cũng xuất hiện một phần ở các thị trường Âu - Mỹ do chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng lại dồi dào ở các nước châu Á và đặc biệt là Trung Quốc nhờ mặt bằng lãi suất liên tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế mở cửa trở lại. Chúng tôi đánh giá, dòng tiền chủ yếu đến từ các thị trường châu Á, riêng Quỹ Fubon đã huy động được 160 triệu USD trong tuần qua và lập tức giải ngân trực tiếp vào rổ cổ phiếu FTSE.
Sự hưng phấn đang là động lực thúc đẩy khối nhà đầu tư cá nhân giải ngân dòng tiền ký quỹ, vốn còn dồi dào và thận trọng trong nhiều tháng qua.
VN-Index bứt phá thanh thoát
Chỉ số VN-Index đóng cửa cuối tuần với mẫu nến Bullish Marubozu tại 1.080 điểm, tăng 11,2% so với cuối tuần trước đó, với 5,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, gấp đôi mức trung bình 20 phiên. Mẫu nến tăng điểm bao trùm kèm động lượng thanh khoản dự báo tiếp diễn xu hướng, chỉ số có thể tiến đến ngưỡng kháng cự xu hướng dài hạn tại 1.130 điểm.
|
Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index. |
Trong tuần qua, điểm số có sự phản kháng từ bên bán khi tiến vào những vùng quá mua kỹ thuật, nhưng sau một vài phiên điều chỉnh nhẹ, lực cung ngắn hạn được hấp thụ và thị trường tiếp tục đà mua lên mạnh mẽ.
Chúng tôi đánh giá, con sóng giải chấp và tâm lý “mất niềm tin” từ nhóm nhà đầu tư mới đã làm vơi đi lực cung tiềm năng trong đà giảm trước đó, thị trường chủ yếu chịu áp lực chốt lời từ nhóm nhà đầu tư bắt đáy, nhưng thanh khoản không đáng kể dẫn đến VN-Index có sự bứt phá thanh thoát.
Trên phương diện kỹ thuật, VN-Index vượt thành công ngưỡng kháng cự xu hướng (Fibonacci 61,8%) của sóng giảm trung hạn kể từ tháng 9 tại ngưỡng 1.030 điểm. Với động lượng hiện tại, ngưỡng kháng cự tâm lý 1.100 điểm không quá khó để vượt qua, chỉ số có thể hướng tới ngưỡng kháng cự 1.130 - 1.150 điểm, đường xu hướng giảm dài hạn từ đỉnh kỷ lục của thị trường. Đây là điểm cơ cấu danh mục lý tưởng đối với nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu trên vùng giá đỉnh năm 2022.
Lưu ý, dòng tiền “nóng” đẩy mạnh vào nhóm vốn hóa lớn dường như không còn điểm mua an toàn; nhà đầu tư nên xem xét giải ngân tại nhóm vốn hóa nhỏ chưa mở ra nhịp tăng “nước rút”.
Bất động sản lấy lại niềm tin
Thanh khoản thị trường bất động sản đóng băng và làn sóng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm đã đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào “thế bí” khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cạn kiệt.
Để thu xếp nguồn vốn trước áp lực trả nợ và mua lại trái phiếu trước hạn, NovaGroup và Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) đã buộc phải tái cấu trúc, bán tài sản có giá trị. Cụ thể, Phát Đạt thông qua quyết định chuyển nhượng 89% cổ phần tại Địa ốc Hòa Bình (ngày 24/11); NovaGroup công bố bán thỏa thuận 150 triệu cổ phiếu Novaland (mã chứng khoán NVL), giảm tỷ lệ sở hữu xuống 28,76%. Nỗ lực tất toán các khoản mục trái phiếu vừa xoa dịu tâm lý hoang mang, gây dựng lòng tin đối với khách hàng, vừa tái cơ cấu tỷ lệ nợ của doanh nghiệp.
Tuần qua, hiệu ứng cổ phiếu PDR và NVL liên tiếp có khối lượng lớn dư bán giá sàn kết thúc, giúp lan tỏa tâm lý dòng tiền lạc quan trên toàn bộ nhóm ngành bất động sản. Cổ phiếu lớn hay nhỏ đều ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt với nhóm cổ phiếu mang tính thị trường như DIG, DXG, CEO... Chỉ số ngành bất động sản đã tăng điểm liên tiếp, bứt qua đường kháng cự viền cổ mẫu hình đáy kép cũng như đường tín hiệu MA20, xác nhận chấm dứt đà giảm trung hạn kể từ tháng 9. Bám theo xu hướng kỹ thuật tăng mở rộng, nhưng nhà đầu tư nên cân nhắc trong việc giải ngân với tỷ trọng thăm dò khi bối cảnh ngành chưa có tín hiệu lạc quan về mặt cơ bản. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là VHM, KDH, NLG.