Chứng khoán Bản Việt: Nét riêng tạo nên vị thế IB số 1 Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bước vào thập niên mới, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC - mã chứng khoán VCI) tiếp tục định vị là công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) số 1 Việt Nam, giữ vững Top 3 thị phần môi giới nói chung, Top 2 thị phần khách hàng tổ chức trên HOSE. 
Chứng khoán Bản Việt: Nét riêng tạo nên vị thế IB số 1 Việt Nam

IB là “trục lõi” , thúc đẩy ROE hàng năm của Bản Việt cao vượt trội

Năm 2019, VCSC ghi thêm vào bảng thành tích của mình các thương vụ tư vấn thành công tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Alpha Southeast Asia - tạp chí dành cho các tổ chức đầu tiên và duy nhất tập trung vào các quốc gia Ðông Nam Á đã vinh danh VCSC 2 danh hiệu: Nhà tư vấn huy động vốn tốt nhất Việt Nam và Nhà tư vấn thương vụ M&A do quỹ đầu tư cổ phần tư nhân hậu thuẫn tốt nhất Ðông Nam Á (cho giao dịch tăng vốn Series C của POPS World - wide).

Trong đó, ở quy mô khu vực, giao dịch tăng vốn Series C của POPS Worldwide là giao dịch duy nhất đến từ Việt Nam được vinh danh dưới sự tư vấn của bộ phận IB, VCSC.

Tên tuổi VCSC gắn liền với vị thế hàng đầu trong lĩnh vực IB tại Việt Nam, không những thế còn là công ty chứng khoán hầu như duy trì được hiệu quả kinh doanh trong mọi điều kiện thị trường, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) thường xuyên cao nhất trong ngành, đồng thời nhiều năm liền trong Top 3 thị phần giao dịch trên HOSE.

Thành công của VCSC đến từ sự khác biệt, được xây dựng trong chiến lược chủ động ngay từ ban đầu, nhất quán xác định IB là hoạt động cốt lõi, các mảng khác như môi giới, đầu tư xoay quanh trục chính này.

Thông qua nền tảng IB, VCSC có thể tìm ra các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng, chia sẻ cơ hội này với các khách hàng môi giới theo từng khẩu vị rủi ro (đặc biệt là trong nghiệp vụ tư vấn phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO).

Ða phần khách hàng môi giới của VCSC, cả cá nhân hay tổ chức đều có “gu” tìm kiếm các khoản đầu tư giá trị, sẵn sàng chi trả mức phí cao hơn để nhận được chất lượng dịch vụ vượt trội và các cơ hội đầu tư tiềm năng. 

Thực tế, không ít công ty chứng khoán khác mong muốn đẩy mạnh mảng IB, nhưng gặp thách thức ở rào cản gia nhập cao. Mấu chốt để có dịch vụ IB mạnh là sự tổng hòa và phối hợp nhịp nhàng của các yếu tố cơ bản như đội ngũ nhân sự có nền tảng kiến thức tốt, đam mê; có các bộ phận hỗ trợ tốt, từ môi giới khách hàng tổ chức đến cá nhân, bộ phận phân tích chất lượng, pháp chế, marketing, chăm sóc khách hàng…

Không kém phần quan trọng là có một chiến lược hỗ trợ và định hướng ưu tiên nghiệp vụ IB từ ban lãnh đạo.

Chưa kể, IB đòi hỏi chi phí đầu tư lớn do yêu cầu chất lượng nhân sự cao và các giao dịch đều cấu trúc theo hướng chỉ có phí tư vấn thành công.

Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, giao dịch IB có thể yêu cầu công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ mang tính chất bảo lãnh cho việc phân phối hết cổ phiếu, tức là sẽ phải sử dụng vốn tự có của công ty nếu cần thiết.

Tại Bản Việt đều hội tụ đủ các yếu tố trên và liên tục được bồi đắp, cải thiện. Ngay từ khi thành lập, đội ngũ VCSC đã được Ban lãnh đạo đầu tư bài bản các nền tảng này, tính đến nay đã hơn 10 năm, nên có ưu thế so với các công ty khác trên thị trường.

Ðược biết, bộ phận IB của VCSC hiện nay là tập thể gắn kết gần 30 cá nhân ở hai đầu TP.HCM và Hà Nội, gắn bó nhiều năm với VCSC và có kinh nghiệm IB dày dạn cả tại thị trường Việt Nam và quốc tế, từng làm việc tại những định chế tài chính và tư vấn hàng đầu.

Vì vậy, đội ngũ IB của VCSC có mạng lưới nhà đầu tư tiềm năng toàn cầu và có khả năng thực hiện các giao dịch có độ phức tạp với chất lượng tương đương các tổ chức IB quốc tế có mặt tại Việt Nam.

Ðồng thời, đội ngũ của VCSC bao gồm cả người Việt am hiểu văn hóa, am hiểu luật pháp Việt Nam và nhân sự nước ngoài am hiểu tác phong làm việc và xu hướng đầu tư của các đối tác quốc tế cũng là một yếu tố đặc trưng của IB VCSC, giúp Công ty giữ được mối tương tác thường xuyên với tất cả các khách hàng doanh nghiệp và quỹ đầu tư trong và ngoài nước

Trên tất cả, VCSC xây dựng văn hóa doanh nghiệp “vì lợi ích của khách hàng và vì hiệu quả hoạt động chung của tổ chức” đã giúp gắn kết toàn bộ các nhân viên của Công ty, không chỉ bộ phận IB, phối hợp với nhau vì một mục tiêu chung là hoàn tất giao dịch. Yếu tố khác biệt trong phương thức làm việc của IB VCSC chính là như vậy.

Theo VCSC, đội ngũ của Công ty luôn nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư để có thể thực hiện thành công các thương vụ.

Trong đó, những doanh nghiệp càng được nhìn nhận tốt thì định giá kỳ vọng của bên bán càng cao so với mặt bằng thị trường, tức là công việc của nhà tư vấn không ít hơn hay đơn giản hơn.

Sự nỗ lực của toàn bộ đội ngũ và sự am hiểu mục tiêu mà mỗi bên tìm kiếm trong một giao dịch để tìm ra tiếng nói chung giữa hai bên mua bán, đưa giao dịch tới thành công cuối cùng là yếu tố quan trọng để nâng cao tỷ lệ thành công khi thực hiện các thương vụ IB.

Mô hình kinh doanh của VCSC tập trung vào giá trị bền vững với ba trụ cột chính là tự doanh, môi giới, ngân hàng đầu tư đã duy trì trong nhiều năm qua và vẫn đang phát huy hiệu quả tốt, tối ưu hóa lợi ích cổ đông, được chứng minh qua chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) thuộc hàng cao nhất trong khối công ty chứng khoán, đạt 26,1%/năm trong giai đoạn 2014 - 2018 và đạt 18% năm 2019.

Ða dạng nguồn thu, không chạy đua thị phần môi giới bằng mọi giá

Tùy vào từng giai đoạn thị trường mà VCSC linh hoạt điều chỉnh tỷ trọng đóng góp giữa các mảng hoạt động.

Chẳng hạn, trước đây, tỷ trọng doanh thu các mảng IB, môi giới và tự doanh theo tỷ lệ khoảng 4:4:2, nhưng năm 2020 - trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra bất ngờ, khó lường và câu chuyện cạnh tranh trong ngành gay gắt hơn - thì tỷ lệ trên có thể đảo ngược thành 2:4:4, tức là cơ cấu doanh thu có 40% môi giới, 40% tự doanh và 20% IB.

Mục tiêu gắn liền với vị thế hàng đầu về IB, môi giới của VCSC là duy trì tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu tối thiểu 20%/năm, cổ tức tiền mặt từ 10 - 15%/năm.   

Ðối với mảng môi giới, câu chuyện cạnh tranh trong ngành chứng khoán không chỉ đến từ cạnh tranh trong hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin), mà còn đối mặt với cuộc đua giảm phí giao dịch, nhưng chủ trương xuyên suốt của VCSC là tạo ra giá trị gia tăng và các cơ hội đầu tư sinh lời đặc biệt cho khách hàng hơn là chú trọng vào phí giao dịch và phải đảm bảo lợi ích cổ đông (không chạy đua giảm lãi suất margin để giữ thị phần).

Cụ thể hơn là Công ty đưa ra các báo cáo chất lượng, chú trọng phát triển đội ngũ môi giới phải có khả năng tư vấn cho khách hàng hiệu quả nhất, chứ không phải giao dịch nhiều nhất, đồng thời tập trung đầu tư công nghệ để đảm bảo tính bảo mật, tối đa hóa tốc độ xử lý lệnh, đảm bảo tính xác thực, tiên phong cung cấp các ứng dụng giao dịch trực tuyến cho khách hàng.

Ðối với hoạt động tự doanh cổ phiếu niêm yết, hoạt động này của VCSC chỉ chiếm 1%, thậm chí ít hơn trong tổng giá trị giao dịch giao dịch môi giới. Bởi lẽ, VCSC tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết có tiềm năng phát triển cao.

Quy trình thẩm định đầu tư của VCSC chặt chẽ không khác một quỹ đầu tư vốn cổ phần (quỹ đầu tư PE) - bao gồm tất cả các công đoạn từ phân tích ngành, sàng lọc doanh nghiệp mục tiêu, thẩm định chi tiết, phỏng vấn ban điều hành, thăm doanh nghiệp, xây dựng mô hình định giá, soạn thảo các thỏa thuận cổ đông, tham gia quản trị và hỗ trợ hoạt động sau đầu tư…

Sau đó, VCSC hỗ trợ các doanh nghiệp này, hoặc chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác chiến lược khi doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn hơn, trên cơ sở hiểu biết rất rõ về lịch sử hình thành và hoạt động của công ty mục tiêu.

Thời gian nắm giữ các khoản đầu tư của VCSC vì vậy khá dài, nhưng lợi nhuận đạt được thường cao, ngoài lãi từ đầu tư tương tự như mô hình hoạt động của một quỹ đầu tư PE, thì còn bao gồm phí tư vấn cho hoạt động IPO.

VCSC đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, tài chính, công nghệ - những ngành tận dụng tốt sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân nội địa.

Năm 2020, VCSC đặt kế hoạch doanh thu 1.390 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng, giảm 35,6% so với thực hiện năm 2019.

Theo lãnh đạo VCSC, kế hoạch lợi nhuận năm 2020 không đáng kể so với tiềm năng của Công ty. Nhưng từ năm 2021 sẽ lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn 2016 - 2017, mục tiêu tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu mà không phải phát hành thêm.

Hiện mảng IB của VCSC có các thương vụ trị giá khoảng 2 tỷ USD, sẽ được ghi nhận vào các năm sau.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục