Chứng khoán 2013: Chờ hiệu quả của các giải pháp

(ĐTCK) UBCK đã quyết định nâng biên độ dao động giá cho hai sàn, áp dụng từ 15/1 và nâng tỷ lệ margin từ 40/60 lên 50/50, áp dụng từ 1/2.
Chứng khoán 2013: Chờ hiệu quả của các giải pháp

Trước đó, UBCK cho phép DN phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, kiến nghị đưa tín dụng cho chứng khoán ra khỏi nhóm phi sản xuất, nới room cho NĐT ngoại, ưu đãi thuế… ĐTCK đã phỏng vấn một số thành viên thị trường xung quanh gói kích thích này.

“Chờ hiệu quả của các giải pháp”

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích - tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Chúng tôi đánh giá cao các giải pháp từ phía UBCK. Đơn cử, nếu chứng khoán không còn bị nhìn nhận như hàng hóa phi sản xuất, nó sẽ có giá trị thế chấp cao. Điều này giúp DN có thêm cơ hội để tiếp cận vốn. Ngoài ra, ngân hàng sẽ dễ hơn trong cấp hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán. Việc cho phép DN được chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá đã mở ra cơ hội huy động vốn từ TTCK cả trong điều kiện cổ phiếu rớt giá.

Các giải pháp kể trên suy cho cùng đều vì mục đích thu hút dòng tiền đổ vào TTCK. Nếu dòng tiền vào chứng khoán tăng lên, thanh khoản TTCK sẽ cải thiện, thị trường có cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn chờ xem hiệu quả của các giải pháp đến đâu. Nhớ năm ngoái, TTCK cũng từng được kỳ vọng sẽ bật trở lại, nhưng cuối cùng, nợ xấu và nhiều yếu tố khác đã nhấn chìm TTCK trong 6 tháng còn lại của năm. Điều này cho thấy, mọi chuyện vẫn cần thời gian kiểm chứng.

Nhưng tôi tin rằng, TTCK trong năm 2013 sẽ diễn biến lạc quan hơn năm 2012. Bằng chứng là dòng tiền ngoại đổ vào TTCK từ đầu năm nay tăng vọt với những hợp đồng giao dịch lớn, có tính chất đầu tư lâu dài.

 

“Năm 2013, năm bản lề của tái cấu trúc TTCK”

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC

Tôi cảm nhận được vai trò của TTCK đã được nhìn nhận lại và được nâng lên. Cơ quan quản lý đã thấy rằng, nếu TTCK khởi sắc, DN huy động được vốn, giảm được chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh, thì bài toán nợ xấu của ngân hàng sẽ được giải tỏa. Cá nhân các ngân hàng cũng sẽ tìm được những nguồn vốn mới để cân đối lại tài chính. Nghĩa là, sự phát triển của TTCK sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết nợ xấu nói riêng và cải thiện cục diện nền kinh tế nói chung. Nhưng làm sao để TTCK khởi sắc trở lại? Quan trọng vẫn là phải tạo sự thuận lợi, cơ chế hấp dẫn NĐT.

Cần chờ xem từ chính sách đến thực tiễn sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng một khi tư tưởng đã mở, đặc biệt là với diễn biến lạm phát đã về mức bình thường, tỷ giá, lãi suất ổn định, UBCK sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai những chính sách mang tính nới lỏng, với mục đích lôi kéo NĐT trở lại với TTCK. Đây là cơ sở để tôi tin TTCK năm 2013 sẽ có diễn biến tốt hơn. Ngoài ra, tôi cho rằng, năm 2013 sẽ là năm bản lề của tái cấu trúc TTCK. Nếu như năm ngoái, việc tái cấu trúc chỉ mang tính khơi dậy, thì năm nay, tất cả các thành viên trên TTCK sẽ thấy tái cấu trúc là vấn đề sống còn. Nếu không triển khai, họ sẽ bị tuột lại. Trong một thị trường có tính bản lề như thế, chắc chắn TTCK sẽ mở ra nhiều cơ hội cho NĐT.

 

“Quan tâm nhất là tình hình ngân hàng”

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Môi giới, CTCK Rồng Việt

Các giải pháp mà UBCK đưa ra đều xuất phát từ việc lắng nghe ý kiến các thành viên TTCK, nên thị trường đã và còn phản ứng tích cực. Thực tế, khó có giải pháp hoàn hảo giải quyết sự trì trệ của thị trường. Chẳng hạn, nới biên độ giao dịch là con dao hai lưỡi. Nó được hoan nghênh khi TTCK diễn biến tốt, nhưng nó sẽ làm tình hình tồi tệ hơn khi thị trường giảm mạnh. Dẫu vậy, trong một TTCK chờ đợi nhiều yếu tố hỗ trợ, những giải pháp kể trên đã là một tín hiệu vui.

Năm 2012, TTCK được nhìn nhận là “đáy”, nên thị trường trong năm 2013 sẽ khó xấu hơn. Ngoài ra, chúng tôi nhìn thấy hoạt động của DN và các ngân hàng đã biến chuyển theo hướng ổn định. Họ không còn đặt kỳ vọng vào những khoản lợi nhuận đột biến từ chạy đua tăng trưởng hay đầu tư ngoài ngành. Các DN đã quay về ngành nghề cốt lõi và ngân hàng cũng thận trọng và quan tâm hơn đến quản trị rủi ro. Trong một tâm thế đó, chúng tôi dự đoán, tiền vào TTCK năm 2013 sẽ là dòng tiền “thực chất” và ổn định hơn.

Tuy nhiên, sau những biến động của TTCK năm 2012, NĐT đã không còn đánh giá thị trường một cách đơn giản nữa. Chuyện lên xuống của chỉ số, của giá cổ phiếu thực tế không quan trọng. Quan trọng nhất là kinh tế - chính trị có ổn định không, hoạt động của các ngân hàng có ổn định không. Bởi trong nền kinh tế mới nổi, ngân hàng đóng vai trò rất lớn trong hoạt động của các DN. Hệ thống ngân hàng tốt thì mới dám cho DN vay và nợ xấu mới được cân đối. Vì thế, điều chúng tôi quan tâm nhất trong năm 2013 là tình hình ngân hàng, những chính sách về lãi suất, tỷ giá… phải “dễ chịu” và phù hợp. Có như thế, khi vàng, ngoại hối đang bị quản lý chặt, bất động sản ảm đạm, thì chứng khoán sẽ càng là lựa chọn ưu tiên của giới đầu tư.

Ngọc Thủy thực hiện
Ngọc Thủy thực hiện

Tin cùng chuyên mục