1. Ở Sài Gòn, tôi nhận được tin thông báo của Ban quản lý chung cư tại Vũng Tàu. Thông báo cho biết, vì thời dịch bệnh nên sẽ ngưng tất cả các hoạt động cho thuê theo ngày (homestay) và cả cho thuê dài hạn, cho tới khi nào Chính phủ công bố đã hết dịch bệnh trong nước. Các chủ nhà cũng không được tự tiện đưa người ngoài vào ở, trừ khi chứng minh được đó là người thân ruột thịt của mình.
Dù “chế độ hà khắc”, nhưng tôi thích cách quản lý như vậy. Vì đặc thù là thành phố du lịch, nên hầu hết các chung cư tại Vũng Tàu, nhất là dự án ở vị trí gần biển, gần trung tâm, hoạt động cho thuê theo ngày khá rầm rộ.
Mỗi khi xuống nghỉ vào cuối tuần, tôi ngán ngẩm nhìn từng đoàn người vô thang máy, mang theo lỉnh kỉnh hành lý, đồ ăn. Những căn hộ 50 - 70 m2, nhưng có khi chứa tới cả 10 người. Họ ngủ trên các tấm nệm kê sát nhau trong phòng khách và phòng ngủ, mua đồ hải sản về nhậu, nửa đêm còn “dzô dzô” khiến cư dân phải kêu bảo vệ lên gõ cửa.
Những ngày cao điểm nghỉ lễ, thì khủng hoảng về rác. Mà rác từ đồ ăn hải sản, nếu như không được dọn dẹp ngay, thì bốc mùi khủng khiếp. Chưa kể, đại gia đình hoặc nhóm bạn nào đó đi bơi ngoài biển về, quần áo dép guốc còn ướt sũng, dính đầy đất cát, cũng vẫn vô tư vào sảnh đã được người lao công vừa lau sáng bóng.
Vẫn biết, một chung cư được nhiều người thích ở, thì sự lên giá luôn tốt. Nhưng bất kể điều gì quá lên, có nghĩa đều mang mặt trái. Mà đôi khi mặt trái còn phát huy nhiều hơn cả mặt phải. Thời gian đầu, dân “bay” chuyên nghiệp còn tới thuê phòng, mở nhạc sàn chơi ma túy. Công an tới lui bắt suốt. Sau, chủ cho thuê cũng rút kinh nghiệm, biết chọn khách hơn. Lượng khách quen tới ở cũng tạo nguồn thu lớn, và ổn định cho người kinh doanh.
Tuy nhiên, sự nhập nhèm giữa chung cư để ở và kinh doanh theo mô hình khách sạn nghỉ dưỡng, khiến cư dân phải đối mặt với nhiều tình huống không vui. Ở thời dịch bệnh, còn có cớ để cấm đoán. Nhưng tới khi đã hết dịch bệnh rồi, những sự không minh bạch này là tổ hợp của bao chuyện rắc rối: hình sự, trốn thuế…
2. Nhưng, không vì vậy mà cuộc sống không có những mặt đáng yêu. Ở trong chung cư, những ngày bình thường thì vui vẻ, ra vào thang máy chào hỏi nhau. Người độc thân cảm thấy bớt cô đơn, vì chỉ cần nghe tiếng dội nước, tiếng bước chân, tiếng nói cười, tiếng kéo ghế… cũng cảm thấy có ai đó ở bên cạnh mình.
Còn những ngày dịch bệnh, mọi người chủ yếu ở nhà nên chung cư khá giống một đại gia đình. Người ta đi mua đồ ăn giúp nhau, để đồ trước cửa để tránh giao tiếp. Nhìn những nải chuối, những mớ rau treo lủng liểng ở trên tay nắm cửa ra vào, đôi khi thấy thân thương tình nghĩa hàng xóm.
Có nhiều người nói, ở chung cư thời dịch bệnh khó quá. Nếu chỉ ai đó bị nhiễm virus thì cả chung cư đã bị phong tỏa rồi, làm sao để đi làm, kiếm ăn được đây. Ủa, đã ở thời kỳ bệnh dịch, thì hạn chế đi lại rồi. Và kể cả có ở nhà phố đi chăng nữa, thì cũng rất có thể bị phong tỏa cả khu phố kia mà.
Chưa khi nào cả thế giới đang phải trải qua những tình huống có một không hai như hiện nay. Ngoài đường giờ cao điểm trước đây kẹt xe, thì hiện vắng bóng người. Siêu thị và trung tâm thương mại vốn là nơi tập trung nhiều người nhất, giờ như “chùa Bà Đanh”. Nếu có điều gì chưa vừa ý, thì chính là sự vận hành không ngừng nghỉ của cuộc sống, chứ không chỉ là lát cắt riêng của chung cư.
Có nhiều thứ chúng ta thường suy nghĩ và hành động, mà quên rằng có nên hay không, một trong số đó là thói quen đổ lỗi. Sự việc này xảy ra rồi, ắt là lẽ đời, khó có thể quay lại được. Người ta chỉ có thể rút kinh nghiệm cho các sự việc tương tự lần sau, chứ không thể bắt thời gian đảo ngược để làm lại từ đầu.
Nên, sống thế nào, vui khỏe có ích ra sao, đừng coi thường chủ quan nhưng cũng đừng hoang mang sợ hãi, chính là một thái độ đúng. Không chỉ là cuộc sống ở chung cư thời bệnh dịch, mà còn là sau đó, khi bệnh dịch đã lùi xa rồi, cũng cần nhìn nhận ở nhiều góc độ khách quan hơn. Để mọi thứ nhẹ nhõm và an yên. Để mỗi ngày qua đi, đều là những ngày có ý nghĩa.