Mới đây, các cư dân N05 đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Bộ Xây dựng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…
Cư dân nơi đây đã gửi công văn khiếu nại đến Văn phòng khiếu nại thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị Vinaconex gỡ bỏ độc quyền của Công ty Q.Net, chỉ định thêm nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại N05. Tìm hiểu tính khả thi của đề nghị này có thể thấy, người dân đang ở thế bị động. Trong quá trình đầu tư và triển khai dự án N05, Vinaconex và Công ty TNHH Giải trí Truyền thông Q.Net đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư hệ thống truyền hình cáp. Theo Vinaconex, Q.Net đã đầu tư và lắp đặt nhiều thiết bị kỹ thuật truyền hình (ngoài hệ thống dây dẫn và đầu cắm cáp truyền hình mà chủ đầu tư đã lắp đặt tới từng căn hộ theo hợp đồng đã ký với khách hàng).
Vinaconex cũng viện dẫn quy định của hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng để khẳng định rằng cơ sở hạ tầng của hệ thống mạnh cáp truyền hình ngoài nhà không thuộc trách nhiệm đầu tư của chủ đầu tư và khách hàng (bên mua) phải thanh toán các chi phí kết nối lắp đặt các thiết bị để cung cấp dịch vụ truyền hình đến khách hàng. Trong trường hợp khách hàng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ khác thì bên B (Công ty Q.Net) sẽ cùng đơn vị quản lý tòa nhà thương thảo, tạo điều kiện để các nhà cung cấp dịch vụ thuê lại hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Mọi chi phí phát sinh do khách hàng hoặc nhà cung cấp mới chịu khách nhiệm.
Khách hàng không muốn sử dụng dịch vụ của Q.Net phải yêu cầu Công ty này phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức cho thuê lại hạ tầng đã đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Thực tế, phía Q.Net đã có thông báo tới khách hàng về mức phí mà họ đã bỏ ra để kết nối nguồn tín hiệu chờ, song hiển nhiên đây là mức phí rất cao và khách hàng không đồng ý. Mâu thuẫn giữa hai bên quá lớn, Q.Net đã cắt tín hiệu truyền hình trong thời gian đàm phán làm việc với dân.
Liên quan đến tranh chấp diện tích sở hữu chung, hợp đồng mua bán nhà quy định “Bên mua chỉ có đầy đủ quyền sở hữu đối với căn hộ theo quy định của pháp luật và không có bất kỳ quyền sở hữu riêng nào đối với bất kỳ phần sở hữu chung, tiện ích công cộng và diện tích thương mại và bất kỳ hạng mục nào không thuộc phần sở hữu riêng của bên mua”.
Vinconex khẳng định, phần diện tích thương mại của dự án, toàn bộ diện tích tầng hầm số 1 và hầm số 2 cũng như các diện tích khác không thuộc phần sở hữu chung của các tòa nhà và phần sở hữu riêng của Bên mua. Diện tích thương mại này thuộc quyền ở hữu hợp pháp và duy nhất của Bên bán. Phần diện tích này Vinaconex đã ký hợp đồng bán cho các nhà đầu tư để sử dụng cho mục đích thương mại. Cư dân trong tòa nhà thì cho rằng, hiện việc bố trí các nhà hàng trái với hợp đồng mua bán căn hộ, trái phê duyệt thiết kế, gây ô nhiễm môi trường cả tòa nhà và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Ngay đến việc cơ bản nhất là bầu Ban Quản trị tòa nhà cũng quá phức tạp. Hiện tổng số hộ dân đến sinh sống tại dự án này là 286 căn hộ trên 748 căn hộ, chiếm 38%.
Vinaconex đã gửi công văn đến UBND quận Cầu Giấy đề nghị cho ý kiến về việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư với khách hàng sớm nhất trong thời gian có thể. Chỉ đến khi nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, Tổng công ty mới có điều kiện và cơ sở pháp lý tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban Quản trị.
Trước rất nhiều khúc mắc như trên, đồng thời với gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan, thay mặt cho các hộ dân, Ban Đại diện lâm thời tại cụm dân cư No5 cho biết sẽ tổ chức cuộc họp cộng đồng dân cư lần 2 và đề nghị Vinaconex, các cơ quan ban ngành tham dự. Tại cuộc họp này, những bức xúc trong cộng đồng dân cư cụm N05 sẽ được mổ xẻ và trao đổi nhằm tìm ra giải pháp xử lý hữu hiệu nhất.
Nếu đơn thuần chỉ chẻ hợp đồng để đối chiếu, không hẳn những kiến nghị của người dân đã hợp lý. Song câu chuyện của Dự án N05 nói riêng và khúc mắc ở nhiều dự án nhà chung cư nói chung sẽ không thể có hồi kết nếu hai bên, cả người dân và chủ đầu tư cũng như các đơn vị khai thác, kinh doanh trong tòa nhà không có thiện chí giải quyết, cùng vì quyền lợi của các bên.