Chứng chỉ quỹ - Sự lựa chọn thiếu cảnh báo rủi ro

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Chứng chỉ quỹ với các lời giới thiệu như ít rủi ro, thanh khoản cao, cơ hội thu lời hấp dẫn đang thu hút không ít nhà đầu tư, nhưng bên trong vẻ ngoài ngọt ngào này có thể là viên thuốc đắng.

Thời gian đầu tư đủ dài thì danh mục mới lướt qua được rủi ro từ các biến động ngắn hạn. Ảnh: Dũng Minh. Thời gian đầu tư đủ dài thì danh mục mới lướt qua được rủi ro từ các biến động ngắn hạn. Ảnh: Dũng Minh.

3 loại quỹ cơ bản

Loại hình đầu tư chứng chỉ quỹ do các công ty quản lý quỹ quản lý đang thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư. Mỗi chứng chỉ quỹ sẽ đại diện cho danh mục đầu tư của quỹ đó. Thông thường, các công ty quản lý quỹ sẽ phân bổ tiền vào một danh mục đa dạng, tùy thuộc vào mục tiêu đầu tư, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Có thể chia ra làm 3 loại quỹ cơ bản tùy thuộc vào mức độ rủi ro dựa trên tài sản mà quỹ đầu tư: quỹ trái phiếu - đầu tư 100% tài sản vào trái phiếu hoặc tiền gửi; quỹ cổ phiếu - đầu tư 100% tài sản vào cổ phiếu; quỹ cân bằng - đầu tư 50% tài sản vào trái phiếu và 50% tài sản vào cổ phiếu.

Danh mục được xây dựng trên các tiêu chí đầu tư với triết lý, quy trình rõ ràng, không cảm tính. Việc quản trị rủi ro được đảm bảo bởi sự đa dạng hóa trong danh mục đầu tư với hàng chục cổ phiếu mỗi quỹ, trải đều ở các nhóm ngành khác nhau (phổ biến từ 20 - 50 mã).

Chứng chỉ quỹ có tính thanh khoản cao, nhà đầu tư có thể mua/bán bất cứ thời điểm nào theo kỳ giao dịch, hiện tại chủ yếu là một tuần/lần, nhưng sắp tới có thể là mỗi ngày/lần.

“Thời gian qua, do lãi gửi tiết kiệm giảm mạnh nên dòng tiền chuyển từ ngân hàng qua kênh chứng chỉ quỹ cũng không ít, qua đó giúp thị trường chứng khoán có thêm dòng tiền mới”, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Hà Nội nhận xét.

Nhiều chào mời hấp dẫn

Hiện nay, trên thị trường có nhiều quỹ mở được thành lập với mục tiêu và chiến lược đầu tư khác nhau, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận khác nhau. Tham khảo một số quỹ, mức lãi suất mang lại khá hấp dẫn.

Chẳng hạn, VCBF - công ty liên doanh của Ngân hàng Vietcombank và Tập đoàn Franklin Templeton Investments của Mỹ công bố lợi nhuận đầu tư Quỹ VCBF-TBF và VCBF-BCF trung bình là 11,9%/năm.

Hay Quỹ đầu tư cổ phiếu TCEF được giới thiệu có khả năng giúp nhà đầu tư tối ưu nguồn vốn gửi vào, sinh lời hiệu quả với lợi tức mục tiêu 10%/năm.

Tuy nhiên, không phải quỹ đầu tư nào cũng đang hoạt động hiệu quả, nhất là trong năm 2020. Trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều quỹ có hiệu suất đầu tư âm.

Ông Quang cho biết, hầu hết các quỹ đầu tư áp dụng phương pháp đầu tư giá trị, có thể bắt đầu từ việc phân tích thị trường chung hoặc bắt đầu từ việc lựa chọn các cổ phiếu cụ thể, nhưng đều đòi hỏi thời gian đầu tư đủ dài thì danh mục mới lướt qua được rủi ro từ các biến động ngắn hạn.

Mục tiêu đầu tư của quỹ chủ yếu là đạt kết quả tích cực hơn so với diễn biến một chỉ số nào đó, chẳng hạn VN-Index.

Với quan điểm, trong dài hạn, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng trưởng, nhất là kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nên phương pháp đầu tư của các quỹ đa phần là lựa chọn doanh nghiệp tốt để mua với mức giá thấp và nắm giữ từ 3 - 5 năm, thậm chí 10 năm. Rất ít quỹ thực hiện giao dịch nhằm hưởng chênh lệch giá trong các biến động ngắn hạn.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên danh mục của đa phần các quỹ đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lợi nhuận tính từ đầu năm đến nay của các quỹ lớn, được quản lý tốt, đều đã về mức dương, diễn biến tương tự như chỉ số VN-Index.

“Nhà đầu tư tự mua bán cổ phiếu, mua được ở mức giá thấp vào tháng 3, 4/2020 và nắm giữ đến nay có thể kiếm được nhiều lợi nhuận. Nhưng không ít nhà đầu tư hoài nghi về sự hồi phục của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, nên không đủ kiên nhẫn nắm giữ suốt giai đoạn tăng trưởng của thị trường chứng khoán, dẫn đến lợi nhuận không thực sự cao”, ông Quang nói.

Thực tế, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có lợi thế thông tin, có kinh nghiệm giao dịch thì các giai đoạn biến động là cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường cổ phiếu. Ngược lại, nếu không có kiến thức đủ sâu và thời gian phù hợp thì đầu tư vào chứng chỉ quỹ sẽ thích hợp hơn.

Cẩn trọng rủi ro

Việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ được đánh giá là an toàn, nhưng không vì thế mà vắng bóng rủi ro.

Bản chất đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho các chuyên gia của công ty quản lý quỹ, do đó, việc quan trọng là nhà đầu tư phải nghiên cứu và lựa chọn một công ty quản lý quỹ tốt.

Một số tiêu chí để đánh giá là quỹ uy tín, có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động lâu năm, kết quả hoạt động cao hơn các quỹ cùng loại và có lợi nhuận lớn hơn lợi nhuận tham chiếu, thường xuyên công bố thông tin đến nhà đầu tư, danh mục đầu tư đa dạng với cổ phiếu của nhiều ngành...

Mỗi chứng chỉ quỹ cũng có những ưu, nhược điểm khác nhau tùy theo chính sách kinh doanh của công ty quản lý quỹ. Nhà đầu tư cần dành thời gian tìm hiểu kỹ về công ty quản lý quỹ thông qua việc nghiên cứu các tài liệu về chứng chỉ quỹ như điều lệ, mục tiêu đầu tư, kinh nghiệm công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát.

Bên cạnh đó, cân nhắc yếu tố chi phí của quỹ đầu tư và tỷ lệ chi phí/thu nhập của quỹ.

Do lãi suất giảm mạnh nên dòng tiền chuyển một phần từ ngân hàng sang kênh đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

Mỗi công ty quản lý quỹ có phương châm, kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia khác nhau, từ đó hình thành nên cách thức lựa chọn danh mục cổ phiếu, tỷ trọng phân bổ vào các cổ phiếu, nhóm ngành cũng khác nhau.

Qua đó, giá của chứng chỉ quỹ có những cách thức biến động khác nhau (rủi ro cao - lợi nhuận cao).

“Khi lựa chọn chứng chỉ quỹ để đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của chứng chỉ quỹ như quỹ do công ty nào quản lý. Lưu ý, đa phần các quỹ đều không được cam kết lợi nhuận chắc chắn, nếu có, cần xem xét kỹ yếu tố pháp lý”, ông Quang nói.

Ông Tuấn Trần, một trong những chuyên gia về đầu tư giá trị, Giám đốc nghiên cứu GoValue cho biết, do có nhiều cổ đông và nhiều người đầu tư nên việc chịu sức ép từ các cổ đông chính là một nhược điểm của quỹ đầu tư, bất cứ lúc nào quỹ cũng có thể bị thoái vốn.

Nhà đầu tư sẽ có thể bán chứng chỉ quỹ bất cứ khi nào họ muốn, trường hợp nhiều người cùng rút vốn một lúc thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính, rủi ro tăng cao và dễ dẫn đến giá giảm.

Chiến lược đầu tư của quỹ không thay đổi, nhưng với việc số vốn đầu tư luôn biến động, quỹ mở cần phải quản trị danh mục một cách hiệu quả nhất.

Hiệu quả ở đây có nghĩa là lợi nhuận ổn định dài hạn, thua lỗ thấp, ở mức chấp nhận được, tránh tình trạng nhà đầu tư ồ ạt rút vốn vì hệ quả sẽ khôn lường, đảm bảo thanh khoản cho chứng chỉ quỹ…

“Quản trị rủi ro của quỹ quan trọng hơn việc tìm kiếm lợi nhuận”, ông Trần nhìn nhận.

Bên cạnh đó, nguồn thu của quỹ đến từ việc thu phí (phí mua/bán chứng chỉ quỹ, phí quản lý tài khoản…), chứ không dựa trên hiệu quả đầu tư của khách hàng, nên nhà đầu tư cần quan sát lợi nhuận của quỹ trong dài hạn để đánh giá chiến lược và mục tiêu của quỹ, hoạt động quản trị rủi ro.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.33 26.93 2.24% 153,698 tỷ
HNX 227.56 4.93 2.17% 1,295 tỷ
UPCOM 88.23 0.72 0.81% 315 tỷ