
CCQ là một loại chứng khoán do công ty quản lý quỹ đại diện cho một quỹ đầu tư chứng khoán phát hành, xác nhận quyền hưởng lợi của người đầu tư đối với quỹ. Công ty quản lý quỹ phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe để được cấp phép hoạt động, như yêu cầu về người điều hành, đội ngũ nhân viên nghiệp vụ được đào tạo và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của một ngân hàng hoàn toàn độc lập với công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát đó không được sở hữu bất cứ một tài sản nào của quỹ. Công ty quản lý quỹ được hưởng phí (thường khoảng 2%) trên tổng giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư và được thưởng một tỷ lệ nhất định trên lợi nhuận của quỹ vượt kế hoạch. Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư vốn của quỹ vào chứng khoán hoặc tài sản khác phù hợp với điều lệ quỹ, với chính sách đầu tư của quỹ đã được người đầu tư thông qua.
Giá trị tài sản ròng (NAV) của CCQ
Là tổng giá trị tài sản và các khoản đầu tư do quỹ sở hữu trừ đi các nghĩa vụ nợ của quỹ tại thời điểm tính toán, tất cả chia cho số lượng CCQ đang lưu hành. Giá trị các tài sản và công nợ của quỹ đều tính theo giá thị trường tại ngày tính. Các cổ phiếu niêm yết có giá thị trường giao dịch hàng ngày nên dễ tính. Các cổ phiếu chưa niêm yết phải qua một quá trình định giá khách quan và nghiêm túc. Nó thường được tính theo giá bình quân của các cổ phiếu OTC lấy từ 3 - 5 CTCK hàng đầu và uy tín. Việc tính và báo cáo giá trị tài sản ròng của CCQ bắt buộc phải có ngân hàng giám sát độc lập xác nhận. Với các quy trình khá chặt chẽ có thể thấy rằng, NAV của CCQ là giá thị trường của các tài sản, các khoản đầu tư của quỹ và NĐT có thể tin tưởng được.
Mối liên quan giữa thị giá và NAV của CCQ
So với NAV (tính đến ngày 28/8), thị giá của các CCQ hiện thấp một cách vô lý (xem bảng 1). VF1 giá chỉ bằng 62% NAV; VF4 , BF1 và PF1 giá tương ứng chỉ bằng 68%, 69% và 74% NAV của nó. Khi các chỉ số chứng khoán thay đổi, NAV của các CCQ cũng biến đổi theo. Trong tuần từ 14/8 đến 21/8, các chỉ số chứng khoán VN-Index, HASTC-Index tăng 12% và 11% thì NAV của các CCQ: VF1, VF4, BF1 và PF1 đã tăng tương ứng là 6%, 4%, 3% và 10% (bảng 2). Tính thanh khoản của VF1 và các CCQ
Giá các chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tính thanh khoản luôn đóng một vai trò quan trọng. Các chứng khoán có tính thanh khoản càng cao, càng được đánh giá cao, vì NĐT luôn thích sự thanh khoản để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng sinh lợi. VF1, VF4 có tương ứng 100 triệu và 86,5 triệu CCQ thuộc công chúng nên hàng ngày lượng giao dịch thường nằm trong nhóm chứng khoán có tính thanh khoản cao hàng đầu trên sàn HOSE. Tính thanh khoản của các quỹ được thể hiện qua số lượng CCQ giao dịch bình quân 5 ngày gần nhất (25 - 29/8) như sau: VFMVF1: 53.800 CCQ; VFMVF4: 323.500 CCQ; PRUBF1: 329.000 CCQ; MAFPF1: 69.400 CCQ.
Lợi thế của quỹ đầu tư là gì?
Không phải ngẫu nhiên mà tại các nước phát triển, NĐT cá nhân thường đầu tư vào TTCK thông qua việc mua các chứng chỉ quỹ đầu tư. Đó là do các quỹ đầu tư có các lợi thế sau:
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro: các quỹ đầu tư hoạt động với số lượng tiền đầu tư lớn, họ đầu tư vào rất nhiều chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu để đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro tùy theo chính sách đầu tư của quỹ. Các NĐT cá nhân khó thực hiện hiệu quả điều này do giới hạn về tiền và công sức.
- Là những NĐT chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư. Bốn loại chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết trên HOSE đều do các công ty quản lý quỹ nước ngoài, hay liên doanh với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trên TTCK thế giới và Việt Nam quản lý. Quỹ VF1, VF4 do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam, một liên doanh giữa Dragon Capital (Anh Quốc) và Sacombank. Quỹ BF1 do Công ty Quản lý quỹ Prudential (Anh Quốc) quản lý, Quỹ PF1 do Công ty Quản lý quỹ Manulife quản lý.
- Quỹ đầu tư có điều kiện tiếp cận các thông tin nhanh và chính xác hơn, do vậy có khả năng sinh lợi cao hơn so với các NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Các quỹ đầu tư với tư cách là cổ đông lớn, họ có thể dễ dàng tiếp cận với lãnh đạo các công ty niêm yết một cách thường xuyên hay định kỳ để nắm rõ tình hình hoạt động của các công ty, do vậy có thể có lợi thế hơn rất nhiều so với các NĐT cá nhân.
Tại sao giá của các CCQ chỉ bằng 62 - 70% so với NAV?
Thông thường trên thế giới, giá các CCQ thường xoay quanh NAV của nó, tùy theo tình hình mà nó có thể tăng - giảm hơn so với NAV khoảng 5 - 10%, hoặc đôi khi lên đến khoảng 15%. Khi thị trường quá hưng phấn, định giá cổ phiếu quá cao, các NĐT chuyên nghiệp sẽ đánh giá CCQ thấp hơn so với NAV. Ở Việt Nam, do việc am hiểu TTCK của phần lớn NĐT cá nhân còn hạn chế, do vậy có những thời kỳ ngắn các quy luật của thị trường bị "đảo lộn". Sự phi lý của giá CCQ có lẽ dễ thấy nhất là trường hợp VF4. Ngay hôm niêm yết đầu tiên, khi thị trường đang đi xuống, giá VF4 đã giảm tối đa 20% cho phép và sau đó nó vẫn xuống và hiện nay vẫn thấp hơn 68% NAV, trong khi VF4 mới chỉ đầu tư được rất ít tiền (với giá chứng khoán thấp). Yếu tố tâm lý đã làm cho giá các CCQ thấp một cách khó tin. Giá của các CCQ quá thấp so với NAV có lẽ một phần do việc marketing của các quỹ chưa tốt? Các NĐT cá nhân chưa hiểu đầy đủ về CCQ? Tuy nhiên, nó sẽ là cơ hội tốt cho những NĐT có bản lĩnh, có kiến thức, không đầu tư theo đám đông mà theo sự phân tích, so sánh NAV với thị giá CCQ.