Bà đánh giá như thế nào về mức độ tiệm cận các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam so với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế?
Đã có 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được Bộ Tài chính ban hành. Các chuẩn mực này phần lớn là các chuẩn mực kế toán theo chuẩn quốc tế, tuy nhiên chưa đầy đủ vì có những chuẩn mực quốc tế chưa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam . Điều đáng nói là, mặc dù những chuẩn mực này được soạn thảo dựa trên chuẩn mực quốc tế (IFRS), nhưng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn còn những điểm khác biệt và chưa đầy đủ cho thực tiễn hoạt động hạch toán kế toán của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ví dụ, hiện nay các báo cáo tài chính sử dụng khá nhiều bảng biểu theo mẫu cố định, rất khác với các quy định của IFRS. Do đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường phải làm công tác kế toán theo chuẩn mực của công ty mẹ hoặc IFRS, đồng thời chuyển đổi sang VAS để sử dụng cho các báo cáo tài chính trong nước. Mặt khác, giữa VAS và các quy định về thuế của Việt Nam chưa có sự đồng bộ, dẫn đến tình trạng có những quy định về thuế mâu thuẫn với các chuẩn mực VAS và những điểm không tương đồng này lại được các cơ quan thuế tại các địa phương giải thích, xử lý theo cảm nhận hoặc suy diễn riêng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà có thể nêu ví dụ cụ thể về việc đã phát sinh những tình huống đòi hỏi chuẩn mực kế toán của Việt Nam phải bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế?
Chẳng hạn, về báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chuẩn mực quốc tế số 7 (chuẩn mực Việt Nam tương đương là số 24) quy định, khi hạch toán khoản đầu tư vào công ty liên kết hoặc công ty con sử dụng phương pháp giá gốc hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư chỉ trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ về các dòng tiền phát sinh giữa bên đầu tư và bên được đầu tư; nếu là công ty liên doanh thì áp dụng hợp nhất theo tỷ lệ. Tuy nhiên, chuẩn mực Việt Nam không có hướng dẫn về báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Ví dụ thứ hai là chuẩn mực quốc tế có quy định về kế toán và báo cáo quỹ hưu trí, trong đó xác định các quy tắc tính toán và trình bày báo cáo tài chính của quỹ hưu trí, nhưng Việt Nam chưa có chuẩn mực tương đương, mặc dù việc lập quỹ hưu trí đã có trên thực tế.
Một ví dụ nữa là chuẩn mực quốc tế số 32 về công cụ tài chính quy định các quy tắc trong việc phân loại và trình bày các công cụ tài chính thành công cụ nợ hay công cụ vốn. Quy tắc cơ bản của chuẩn mực này là công cụ tài chính phải được phân loại thành công cụ nợ hay công cụ vốn dựa trên bản chất, chứ không phải hình thức. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chuẩn mực này và việc phân loại công cụ tài chính hầu như dựa trên hình thức, thay vì bản chất.
Với sự khác biệt như hiện nay giữa chuẩn mực của Việt Nam và quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam muốn niêm yết tại nước ngoài có phải lập song song hai báo cáo tài chính theo hai hệ thống chuẩn mực khác nhau?
Khi lập báo cáo tài chính để làm hồ sơ niêm yết tại nước ngoài, doanh nghiệp phải bổ sung các chuẩn mực quốc tế chưa có ở Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch của thông tin tài chính theo yêu cầu của đối tác và nhà đầu tư của thị trường sở tại.
Việc chỉnh sửa, bổ sung các chuẩn mực quốc tế nên theo hướng nào, thưa bà?
Tôi không nghĩ rằng, Việt Nam cần áp dụng tất cả các chuẩn mực quốc tế ngay lập tức. Phương pháp tiếp cận hiện nay đối với việc ban hành các chuẩn mực kế toán của Việt Nam là việc xem xét kỹ lưỡng các chuẩn mực quốc tế tương đương và sửa đổi những phần không nhất quán. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là càng có ít thay đổi so với chuẩn mực quốc tế càng tốt và điều này càng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ theo chuẩn mực.
Chuẩn mực quốc tế là phương pháp kế toán dựa trên các nguyên tắc. Nếu Việt Nam áp dụng các nguyên tắc được thừa nhận chung tại các quốc gia trên thế giới thì hoạt động kế toán của Việt Nam mới thực sự hội nhập với thông lệ quốc tế. Các điểm hạn chế riêng hoặc các hoạt động đặc thù của Việt Nam có thể được đề cập trong những thông tư hướng dẫn thực hiện.