Chuẩn bị công bố chỉ số giá bất động sản

(ĐTCK-online) Trong khi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán biết được xu hướng cụ thể của thị trường nhờ vào chỉ số VN-Index và HaSTC-Index thì nhà đầu tư trên thị trường bất động sản (BĐS) gần như “mù tịt”. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và BĐS (Bộ Xây dựng - BXD) cho biết, trong tháng 9 tới, BXD sẽ công bố chỉ số giá BĐS.
Ông Nguyễn Mạnh Hà. Ông Nguyễn Mạnh Hà.

Thưa ông, mục đích của việc công bố chỉ số giá BĐS mà BXD hướng đến là gì?

Chỉ số BĐS sẽ góp phần định hướng thị trường, giúp nhà đầu tư và người dân có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường BĐS. Thực tế cho thấy, nhiều khi sốt giá BĐS chỉ xảy ra cục bộ tại một địa phương, thậm chí tại một vài dự án, nhưng thông tin lan truyền gây thiệt hại cho không ít người. Tôi hy vọng, chỉ số giá BĐS sẽ khắc phục được tình trạng người dân mỗi khi thấy giá BĐS tăng lại đua nhau đi mua và ngược lại, khi giá BĐS xuống lại đổ xô bán ra, không chỉ gây bất ổn cho thị trường, mà còn gây thiệt hại cho chính mình. Ngoài ra, chỉ số này còn tránh được tình trạng giá BĐS bị một số tổ chức, cá nhân môi giới “đồn thổi” để trục lợi.

Chỉ số giá BĐS được xây dựng trên cơ sở nào, thưa ông?

Theo Luật Kinh doanh BĐS, việc giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn giao dịch của các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Căn cứ vào thông tin giao dịch của các sàn, cộng với thông tin khác trên thị trường và thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, BXD tính toán để  xác định chỉ số BĐS.

Do cạnh tranh nên thông tin trên các sàn giao dịch thường khác nhau, vậy BXD căn cứ vào đâu để lựa chọn?

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 20 sàn giao dịch BĐS, chúng tôi đang xây dựng tiêu chí dựa vào quy mô và uy tín của từng sàn để lựa chọn sàn nào có trách nhiệm cung cấp thông tin cho BXD. Tôi cho rằng, sàn giao dịch nào cũng muốn được công nhận đủ tiêu chuẩn cung cấp thông tin cho BXD, bởi việc công nhận này cũng tương tự như việc công nhận “đạt chuẩn”. Tất nhiên, thông tin do các sàn giao dịch BĐS cung cấp cũng chỉ là một nguồn, nguồn còn lại phải dựa vào tình hình giao dịch thực tế trên thị trường đối với từng loại hàng hoá cụ thể tại một địa bàn cụ thể. Tôi tin là chỉ số BĐS phản ánh thị trường một cách khách quan, bởi các giao dịch, kể cả giao dịch không sàn, gần đây đã phản ánh tương đối chính xác những biến động của thị trường.

Theo ông, khó khăn lớn nhất trong việc xác định chỉ số BĐS là gì?

Thông tin ảo trên thị trường BĐS khá nhiều là khó khăn trong việc thu thập và xác định thông tin để xây dựng chỉ số BĐS. Hy vọng, khi thị trường đi vào nền nếp, đặc biệt là khi tất cả hàng hoá của doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải được chào mua - bán qua sàn giao dịch theo luật, thì việc xác định thông tin về giá BĐS sẽ thuận lợi hơn.

Cũng như thị trường tài chính, thời gian gần đây, thị trường BĐS có nhiều biến động, vậy vì sao BXD chỉ dự định công bố chỉ số BĐS mỗi tháng 1 lần?

Trong giai đoạn thí điểm, chúng tôi chỉ dự định công bố mỗi tháng 1 lần và chỉ thực hiện công bố chỉ số giá BĐS trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội. Về sau này, khi việc xây dựng chỉ số đi vào ổn định, có thể nâng tần suất công bố lên mỗi tháng 2 - 3 lần và mở rộng địa bàn công bố.

Hiện tại, chúng tôi chưa đặt tham vọng công bố chỉ số BĐS thật sự chi tiết, cụ thể như giá đất do UBND cấp tỉnh công bố vào ngày 1/1 hàng năm. Tuy nhiên, việc công bố chỉ số BĐS sẽ góp phần đáng kể vào việc lành mạnh hóa thị trường. Nhìn vào chỉ số này, người dân sẽ biết được thị trường BĐS đang tăng hay giảm, tăng giảm đối với loại hình BĐS nào, tăng giảm cụ thể ở khu vực nào, mặc dù chỉ số BĐS chỉ có tính chất tham khảo, chứ không có ý nghĩa bắt buộc người dân phải mua, bán theo giá công bố.

Ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS hiện nay?

Nhiều tín hiệu cho thấy, thị trường BĐS đang “ấm” dần lên do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ngân hàng đã bắt đầu nới lỏng cho vay đối với các dự án BĐS.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục