Chuẩn bị cho xu hướng vận động mới

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang tìm điểm cân bằng và chuẩn bị cho xu hướng vận động mới theo hướng tích cực hơn.
Nếu thị trường điều chỉnh, tích lũy thêm, nhà đầu tư được khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu

Sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu và thiên tai trong nước đã ảnh hưởng đến diễn biến của VN-Index trong ngắn hạn. Cùng với đó, so với tháng 8/2024 (thanh khoản bình quân trên HOSE là 16.476 tỷ đồng/phiên), thanh khoản trong hai tuần đầu tháng 9 chỉ đạt bình quân 13.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô như chỉ số PMI, FDI, xuất khẩu tiếp tục tăng nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và trong nước, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt mở đường cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện nhiều hơn nữa chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển…

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, dù trải qua những rung lắc nhưng tính ở thời điểm hiện tại, chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn với mức sinh lời hơn 10% kể từ đầu năm 2024, cao hơn nhiều so với kênh gửi tiết kiệm truyền thống và nhiều cổ phiếu đầu ngành có mức sinh lời rất tốt. Giá cổ phiếu nhìn chung đang biến động song hành cùng sự phục hồi của kết quả kinh doanh và kinh tế vĩ mô. Các yếu tố rủi ro về tỷ giá, lãi suất, lạm phát vẫn tiềm tàng, nhưng ở trong tầm kiểm soát và tạo ra môi trường thuận lợi để thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên. Trong đó, từ nay đến cuối năm 2024 được xem giai đoạn bản lề cho chu kỳ tăng trưởng mới năm 2025, với triển vọng nâng hạng thị trường, một yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Đánh giá sơ bộ về việc thiên tai tại miền Bắc liệu có ảnh hưởng tới kinh tế cũng thị trường chứng khoán năm 2024, vị chuyên gia Agriseco cho rằng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đã vượt so với mục tiêu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra, khả năng cao là Việt Nam vẫn hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra là 6,5%. Bởi lẽ, thiên tai có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp, nhưng mảng chủ chốt là công nghiệp vẫn đang giữ được đà tăng tốt nên sẽ không ảnh hưởng về mặt tổng thể. Tương tự, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có thể bị tác động từ thiên tai, nhưng sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng về mặt dài hạn, khi phần lớn các doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC đánh giá, thị trường đang trong quá trình điều chỉnh, tích lũy trước khi vượt ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Ngưỡng hỗ trợ quan trọng của VN-Index là vùng 1.250 - 1.260 điểm. Vùng tích lũy này sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục với nhà đầu tư đã có vị thế, trong khi đó là vùng có thể tận dụng tham gia với nhà đầu tư bị bỏ lỡ trong nhịp thị trường tạo đáy ngắn hạn vừa qua.

“Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt nhất định để tạo thế chủ động, tỷ lệ cổ phiếu có thể ở mức quanh 60% và tăng dần nếu thị trường điều chỉnh, tích lũy thêm trong thời gian tới”, vị chuyên gia DSC nói và khuyến nghị, một số nhóm ngành có thể quan tâm mua khi giá điều chỉnh đối với các mã cổ phiếu lớn, cơ bản tốt, định giá hợp lý và triển vọng lợi nhuận tích cực là bán lẻ, tiêu dùng, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Với cổ phiếu của những doanh nghiệp có khả năng ghi nhận kết quả kinh doanh quý III và quý IV năm nay tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may), bán lẻ, giá cổ phiếu hiện có mức tăng đáng kể so với đầu năm, nhưng dư địa tăng vẫn còn.

“Không hẳn những cổ phiếu đã tăng thì không còn cơ hội tăng và ngược lại, không phải những cổ phiếu chưa tăng thì sẽ tăng”, ông Nguyễn Tiến Dũng, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ. Theo ông Dũng, nhóm cổ phiếu có định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận như ngân hàng và thép cũng là lựa chọn phù hợp trong các tháng cuối năm 2024.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục