Chuẩn bị chính sách để tham gia thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15% tác động không nhỏ tới chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), TS. Đặng Ngọc Minh, Việt Nam đang chuẩn bị để sẵn sàng tham gia sân chơi mới.
TS. Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). TS. Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).

Thỏa thuận “thuế tối thiểu toàn cầu” nhằm chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Thưa ông, tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cũng được hưởng lợi không ít?

Thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra mức thuế tối thiểu 15% đối với tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro trở lên. Quy định này nhằm đảm bảo công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động, chống tình trạng chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường” thuế, chống cạnh tranh thu hút FDI bằng biện pháp đua nhau hạ thuế suất để thu hút đầu tư.

Quy định trên cho phép chúng ta thu thuế tối thiểu của các doanh nghiệp lớn đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam không chỉ là nước nhận đầu tư, mà còn là nước đầu tư ra nước ngoài khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 320,6 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư ra nước ngoài tính đến cuối tháng 6/2023 lên đến 22,1 tỷ USD với 1.654 dự án. Như vậy, thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung.

Việt Nam còn được hưởng lợi gì nữa, thưa ông?

Thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu còn góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Nhiều nước ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút FDI, khiến hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều doanh nghiệp FDI đã lợi dụng mọi cơ hội để chuyển lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thấp hơn, từ đó xảy ra tình trạng thất thu thuế. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một mặt bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước và giảm thiểu tình trạng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.

Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, dù muốn hay không, Việt Nam phải tham gia thuế tối thiểu toàn cầu. Thưa ông, chúng ta đã có những chuẩn bị gì về chính sách?

Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật cho phù hợp. Thuế tối thiểu toàn cầu quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuộc thẩm quyền của Quốc hội vì theo Hiến pháp, Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Vì vậy, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tổng cục Thuế đang xây dựng hồ sơ về thuế tối thiểu báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội phương án ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ theo đúng hướng dẫn của OECD. Trong đó, đề xuất áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu.

Như vậy, thực thi thuế tối thiểu toàn cầu không phải là “chuyện riêng” của ngành tài chính và kế hoạch - đầu tư, mà liên quan đến nhiều bộ, ngành. Thưa ông, các bộ, ngành đã có động thái gì để tham gia thuế tối thiểu toàn cầu?

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai hàng loạt giải pháp về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, như phải ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI bị tác động.

Cụ thể, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tổ chức triển khai thực hiện việc áp dụng từ năm 2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất, triển khai các biện pháp thu hút FDI, hỗ trợ khác ngoài thuế đối với doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng, nhưng không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, khuyến khích nhà đầu tư FDI hiện hữu cũng như nhà đầu tư FDI mới, bảo đảm ứng xử bình đằng giữa các doanh nghiệp; xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành về việc áp dụng nhiều biện pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế.

Thuế tối thiểu toàn cầu tác động rất lớn đến nhiều hoạt động kinh tế cũng như ngân sách nhà nước. Thưa ông, các nước trên thế giới đã có sự chuẩn bị gì?

Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với 15%, trong đó có các nước đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Cụ thể, EU, Thụy Sĩ, Anh, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Mỹ đã nâng mức thuế suất tối thiểu hiện hành từ 10,5% lên 21% và sửa đổi các quy tắc liên quan để phù hợp với các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, như Việt Nam, đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó, trong đó có việc áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (không thấp hơn 15%) để tránh việc doanh nghiệp FDI nộp thuế bổ sung về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính. Nhiều nước đang nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Trong đó, Thái Lan sẽ phân bổ 50 - 70% nguồn thu thuế bổ sung vào Quỹ Hỗ trợ công nghiệp trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp FDI bị tác động do thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục