Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến về điều hành thị trường nhìn từ góc độ giá xăng dầu và giá điện do Cổng thông tin Chính phủ vừa tổ chức, ông Thi phân tích, Việt Nam hiện nay đang áp dụng thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới với cam kết trần đối với mặt hàng xăng là 40%.
Theo đó, Nghị quyết Thường vụ Quốc hội ban hành với xăng dầu ở mức từ 0-40% và xăng hiện nay đang áp dụng mức thuế nhập khẩu 35%. Cùng với việc đó, các cam kết về Hiệp định Thương mại tự do trong khối ASEAN từ 2011-2024 phải cắt giảm thuế nhập khẩu. Cùng với đó là Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, Việt Nam đều cam kết lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu với việc cắt giảm kết thúc vào năm 2024. Tại thời điểm này, đối với mặt hàng xăng áp dụng thuế 35%.
Tuy nhiên, theo ông Thi, thuế nhập khẩu với ASEAN- Trung Quốc, Hàn Quốc là 20%. Hiện nay, khoảng cách đang là 5-35%, khoảng cách này ngày càng xa, càng rộng.
Ông Thi cho biết, hiện đã nhận được ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu gửi lên Bộ Tài chính cho rằng, đối với xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN khi có mẫu CO form D thì các nước đang đề nghị hoặc là ký hợp đồng dài 1 năm hoặc đề nghị tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, đề nghị tăng giá gây rủi ro cho nền kinh tế.
Ông Thi khẳng định, giá xăng dầu từ quý III/2014 đến nay liên tục giảm và Chính phủ kiên quyết điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
“Giá xăng dầu giảm sẽ giảm đầu vào cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi giá giảm thì cầu sẽ tăng lên, xăng dầu là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động xấu tới môi trường, nên đây là lý do khiến chúng ta cần điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hiện nay, giá xăng dầu ở Việt Nam so với các nước khu vực thấp hơn khoảng từ 1.000-7.000 đồng/lít, vì thế, việc tăng thuế còn để hạn chế việc xăng dầu chảy qua các nước láng giềng, đảm bảo giá xăng dầu Việt Nam tương đồng, tránh sự chênh lệch giữa các nước tránh buôn lậu. Ngoài ra, hiện chủ trương Chính phủ là sử dụng nguyên liệu sinh học, nên khi tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tạo sự chênh lệch giá giữa xăng hóa thạch và nguyên liệu sinh học, qua đó khuyến khích người dân sử dụng nguyên liệu sinh học. Với những lý do đó, tôi cho rằng tăng thuế bảo vệ môi trường là phù hợp”, ông Thi khẳng định.
Trả lời câu hỏi liệu có khả năng sẽ xem xét việc giảm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu xuống 20% từ 1/5/2015 để bù lại việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường nhằm ổn định giá xăng hay không, ông Thi khẳng định: “Thuế môi trường hoặc thuế xuất nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá xăng dầu. Khi xét giá xăng dầu, phải xét bài toán tổng thể của các sắc thuế. Về thuế nhập khẩu, do việc cam kết các hiệp định quốc tế, nên cùng mặt hàng xăng dầu có thuế nhập khẩu khác nhau, việc giảm bao nhiêu phải tính toán cụ thể, chứ không phải tăng thuế bảo vệ môi trường phải giảm thuế nhập khẩu”.
Bên cạnh việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, ông Thi cũng cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ không tăng thuế này đối với mặt hàng dầu hỏa. Lý do là vì dầu hỏa chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thiết yếu thắp sáng của người dân tại các vùng sâu xa do thiếu điện.
Đánh giá về tác động của việc tăng giá xăng đối với giá cả các mặt hàng đầu vào khác của sản xuất, tiêu dùng và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng như tới chỉ số CPI, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định, việc điều chỉnh giá tăng/giảm giá xăng dầu sẽ tác động vào tăng/giảm giá của tiêu dùng đầu-cuối cũng như trung gian, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và tiêu dùng, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 10/3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết và thông qua sửa đổi mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, theo đó thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít từ 1/5 tới.