Chứng khoán Mỹ tiếp tục trải trải qua một phiên giao dịch ảm đạm khi không có nhiều động lực. Thị trường đang chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng sẽ được công bố vào thứ Năm để tìm thêm manh mối liên quan đến lạm phát và cân nhắc ảnh hưởng của lạm phát đến thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Một số chuyên gia cũng cho rằng, thị trường sẽ ở trong tình trạng “chạng vạng” trên cho đến 4/7, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II bắt đầu.
Điểm nhấn trong phiên thuộc về nhóm “cổ phiếu meme” được thúc bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên diễn đàn Reddit. Làn sóng dường như đang lan sang nhiều cổ phiếu khác, đặc biệt là Clover Health, một công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khoẻ và Wendy’s, chuỗi của hàng thức ăn nhanh. Cả hai cổ phiếu leo dốc lần lượt 85,8% và 25,8% trong phiên.
Một số cái tên khác gây náo loạn thị trường gần đây như GameStop, Bed Bath & Beyond, Workhorse Group đóng cửa giao dịch tăng từ 7% đến 12%.
Mặt khác, số lượng việc làm tuyển dụng mới, một thước đo nhu cầu lao động, đã tăng 998.000 việc lên 9,3 triệu tháng 4, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được khảo sát vào tháng 12/2000, Bộ Lao động cho biết trong Báo cáo về việc làm và luân chuyển lao động hàng tháng (JOLTS) được công bố hôm 8/6. Báo cáo củng cố quan điểm rằng việc tăng trưởng việc làm ở mức vừa phải là do hạn chế về nguồn cung.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, doanh số bán ô tô điện do Tesla sản xuất tại Trung Quốc đã tăng 29% trong tháng 5, đánh dấu mức tăng 177% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tin tức trên không thể giúp cổ phiếu của Tesla khởi sắc.
Chỉ số biến động CBOE, thước đo mức độ lo lắng của nhà đầu tư, đêm qua cũng chạm mức thấp nhất trong hơn một năm.
Ngoài ra, World Bank vừa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên tới 5,6%, tăng 1,5 điểm % so với dự báo trước là 4,1%.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones giảm 30,42 điểm (-0,09%), xuống 34.699,82 điểm. Chỉ số S&P tăng 0,74 điểm (+0,02%), lên 4.227,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 43,19 điểm (+0,31%), lên 13.924,91 điểm.
Chứng khoán châu Âu cung trong trạng thái ảm đạm khi dữ liệu sản lượng công nghiệp tháng 4 của Đức yếu hơn dự kiến do thiếu hụt nguồn cung và làn sóng dịch bệnh âm ỉ dấy lên nghi ngờ về việc, liệu Anh có thể dỡ bỏ các hạn chế vào cuối tháng này hay không.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,87 điểm (+0,25%), lên 7.095,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 36,55 điểm (-0,23%), xuống 15.640,60. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,45 điểm (+0,11%), lên 6.551,01 điểm.
Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm phiên ngày thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản giảm do tổn thất ở nhóm cổ phiếu lớn, đáng kể nhất là Softbank Group.
Chứng khoán Trung Quốc giảm co các nhà đầu tư lo lắng về mức định giá đã cao và căng thẳng Trung - Mỹ.
Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ khi đà lao dốc ở các công ty năng lượng và công nghệ đã được bù đắp bằng đà tăng của nhóm bất động sản.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do cổ phiếu công nghệ đi xuống, trong khi các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 55,68 điểm (-0,19%), xuống 28.963,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,43 điểm (-0,54%), xuống 3.580,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,9 điểm (-0,02%), xuống 28.781,38 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 4,29 điểm (-0,13%), xuống 3.247,83 điểm.
Giá vàng đêm qua hạ nhiệt trong bối cảnh giới đầu tư đứng ngoài chờ tín hiệu về tình trạng lạm phát của nền kinh tế Mỹ.
Kết thúc phiên 8/6, giá vàng giao ngay giảm 7,20 USD (-0,37%), xuống 1.892,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 4,40 USD (-0,23%), xuống 1.894,40 USD/ounce.
Giá dầu tăng trong phiên gia dịch hôm thứ Ba, đạt mức cao nhất trong hơn hai năm sau khi quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết, ngay cả khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, hàng trăm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran sẽ vẫn được áp dụng, điều này có nghĩa là nguồn cung dầu bổ sung của Iran sẽ chưa thể sớm quay lại thị trường.
"Tôi cho rằng rằng ngay cả trong trường hợp quay trở lại tuân thủ JCPOA, hàng trăm biện pháp trừng phạt sẽ vẫn được áp dụng, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt do chính quyền Donald Trump áp đặt", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 8/6.
Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,82 USD (+1,2%), lên 70,05 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,73 USD (+1%), lên 72,22 USD/thùng.