Chưa thuyết phục

(ĐTCK) Chính sách về việc có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng tới 90% ngay sau khi hàng thực xuất mà chưa cần xuất trình đầy đủ hồ sơ dự kiến được ban hành vào cuối tháng 1/2009 và áp dụng luôn với DN được đón nhận khá e dè. Đại diện Công ty TNHH Mỹ Anh thẳng thắn nói, không tin vào kế hoạch này, khi mà hiện giờ các thủ tục, yêu cầu xuất trình giấy tờ của phía cơ quan thuế khó có thể biết thế nào là đủ. Một bước cải cách mới của ngành thuế mà ông Đỗ Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính kỳ vọng là rất có lợi cho DN có vẻ chưa thực sự được đón nhận.

Lý do là những tồn tại vẫn còn quá lớn. Hàng loạt vướng mắc từ quy định đến thực thi dù đã được DN kiến nghị nhưng vẫn không thấy có thay đổi. Đại diện Công ty TNHH Mỹ Anh than phiền là họ thậm chí phải chờ đợi cơ quan cấp dưới và cấp trên hỏi nhau bằng văn bản cách thực hiện các quy định hiện hành. Vị đại diện Công ty này còn than phiền, sự chậm trễ này chẳng thấy có ai bị xử phạt cả, trong khi DN cứ chậm một ngày là phạt.

Rõ ràng, hiệu lực của bước cải cách được cho là lớn trên của Bộ Tài chính sẽ không dễ đến được tới DN, nếu vấn đề thuộc về xử lý kỹ thuật nội bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các cấp thực thi và trình độ của cán bộ thực thi không được làm sáng tỏ. Tổ công tác 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã phát hiện rằng, những thủ tục khi đi xuống cấp thực thi thường có tới vài phiên bản. Đương nhiên, mỗi phiên bản sẽ là một cửa hẹp đối với DN. Hơn thế, cũng phải thừa nhận rằng, áp lực sợ làm sai của đội ngũ công chức trong bối cảnh hiện nay rất có thể là trở lực cho những cơ chế đột phá về hành chính.

Thậm chí, ngay cả một văn bản đã thay đổi song vẫn chưa kết thúc tầm ảnh hưởng của nó. Ông Đặng Việt Bách, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sóng Thần cho biết, cách đây 3 tháng vẫn bị cơ quan thuế đòi hoá đơn kinh doanh vận tải, trong khi DN đang làm thủ tục nộp phí trước bạ cho phương tiện vận tải vừa mua. Cho dù giải thích của cơ quan thuế là không có, và chính sách đã thay đổi, là các công ty kinh doanh taxi vẫn làm mà không bị vướng, thì ông Bách cho biết là chính DN bị hỏi.

Cũng trong Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với DN vừa qua, ông Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng giám đốc LG Electronic Việt Nam kết thúc phần chất vấn đại diện Tổng cục Thuế trong một thế khá khiên cưỡng. Trả lời câu hỏi của chủ toạ rằng, đã hài lòng với những câu trả lời chưa, ông Bình nói là chưa, nhưng không tiếp tục làm tới cùng.

Vướng mắc của LG Electronic Việt Nam đã xảy ra cách đây hơn một năm, liên quan đến quy định về chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo ông Bình, việc Thông tư số 134/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế TNDN lại được quy định thời hiệu áp dụng cho quyết toán thuế từ ngày 1/1/2007 là rất khó hiểu. "Thường thì các văn bản có hiệu lực tại ngày ký hoặc sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Điều này khiến đối tượng thực thi có thể biết rõ khung pháp lý tại thời điểm hiện tại. Nếu thời điểm áp dụng lại theo kiểu hồi tố, thì DN làm sao đoán trước được phải làm gì để thực thi đúng quy định sẽ được ban hành trong tương lai", ông Bình phân tích.

Chính sự không đoán được này khiến LG Việt Nam năm đó đã không hạch toán được hàng loạt chi phí trước đó từng được coi là chi phí hợp lý để tính thuế TNDN.

Theo giải thích của ông Cao Anh Tuấn, Trưởng ban Chính sách (Tổng cục Thuế), đặc điểm của thuế TNDN là áp dụng cho kỳ tính thuế, nên dù Thông tư có ra chậm thì vẫn phải áp dụng từ đầu năm.

Hơn thế, cần phải nhắc lại rằng, vào năm 2006, sau Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Tổng cục Thuế đã ra Công văn số 1766/TCT-ĐTNN ngày 19/5/2006 về việc xác định một số khoản chi phí tính thu nhập chịu thuế TNDN nhằm giải quyết khó khăn cho DN bằng việc cho phép khấu trừ chi phí hợp lý hơn 10% và áp dụng cho năm quyết toán thuế 2005. Tiếp đó, một văn bản khác của Bộ Tài chính kéo dài thời hạn hiệu lực của Công văn số 1766 cho kỳ quyết toán thuế năm 2006.

Theo ông Bình, không có văn bản nào thông báo hết hiệu lực của Công văn 1766 và các văn bản hướng dẫn liên quan khác. "Chúng tôi vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để rồi đến cuối năm lại đổi khác. Bộ Tài chính giải thích thế thì DN biết thế, chứ đúng là DN bị hố", ông Bình bức xúc nói.

Tạm loại trừ những tình tiết cụ thể của vụ việc, song bức xúc của DN về thời điểm hiệu lực của văn bản là khá hợp lý. Sẽ rất khó cho hoạt động của DN nếu cứ phải gánh chịu sự chậm trễ từ phía cơ quan quản lý. Điều quan trọng là sẽ không một DN nào yên tâm làm ăn khi mải lo ngại về một văn bản nào đó điều chỉnh hoạt động của mình sẽ được ban hành…

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục