Sáng 7/10, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin bà Huỳnh Thị Huyền Như có liên quan tới vụ án lừa đảo trên thị trường chứng khoán đã bị bắt. Trước đó, từ nhiều ngày nay, thông tin về vụ lừa đảo này đã được giới đầu tư lan truyền, trong đó nghi vấn một số công ty chứng khoán có liên quan như KimEng hay ORS.
Trưa ngày 7/10, CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS) đã có văn bản công bố thông tin bất thường liên quan đến bà Huỳnh Thị Huyền Như, thành viên HĐQT của công ty. Cụ thể, ORS khẳng định rằng bà Như không mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại ORS, đồng thời không hề có bất kỳ giao dịch vay – mượn nào với ORS trong suốt thời gian qua.
HĐQT ORS cho biết bà Huỳnh Thị Huyền Như được bầu làm thành viên HĐQT ORS kể từ ngày 18/5/2011. Sau khi có thông tin bà Như có liên quan đến vụ án lừa đảo mà cơ quan công an đang điều tra, HĐQT ORS hiện đang xem xét lại tư cách Thành viên HĐQT của bà Như.
Đến 15 giờ chiều, CTCP Kim Eng Việt Nam (KEVS) cũng có văn bản gửi các cơ quan báo chí khẳng định không ghi nhận trường hợp nợ xấu nào cho tới thời điểm này.
Theo đó, KEVS đã tuân thủ các chính sách về tỷ lệ rủi ro của UBCK cũng như của Hội đồng quản lý rủi ro tại Kim Eng. Tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ margin của KEVS chỉ được cấp hạn mức tối đa 9 tỷ/một khách hàng (tương đương 3% vốn điều lệ). Kim Eng khẳng định tài khoản tiền của nhà đầu tư được ngân hàng quản lý, nên loại trừ khả năng môi giới lạm dụng tài khoản của khách hàng để trục lợi.
Tuy nhiên, theo tôi, những thông tin công bố bất thường trên chưa làm rõ được những “nghi vấn” mà giới đầu tư đặt ra xung quanh vụ lừa đảo “nghìn tỷ” này.
Theo nhiều nguồn tin, bà Như đã dùng tài khoản của người thân mở tài khoản tại một số công ty chứng khoán khác nhau để đầu tư. Trong khi đó, ORS chưa thể khẳng định có liên quan đến những tài khoản này hay không?
Theo báo cáo tài chính quý II/2011 của ORS, công ty có một khoản phải thu khác lên tới 1.483 tỷ đồng (chiếm 99,5% tổng các khoản phải thu ngắn hạn). Dư luận đang đặt ra nghi vấn các khoản phải thu này liên quan đến hoạt động margin của công ty.
Với số vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng, bà Như được các công ty này cho vào danh sách khách VIP. Đến khi sự việc vỡ lở, các công ty này đã phải “bán tháo” cổ phiếu để mong lấy lại vốn. Đợt xả hàng này bắt đầu từ ngày 16/9, với hàng chục cổ phiếu bị “xả hàng” giá sàn, góp phần gây ra sự sụt giảm mạnh của TTCK trong những ngày qua.