Chưa nhận tiền thưởng, hàng Tết đã loạn giá

Không khí mua sắm dịp cận Tết năm nay dù không sôi động bằng những năm trước, sức mua cũng chưa tăng mạnh nhưng người dân đã cảm nhận giá cả hàng hóa đang nhảy múa
Chưa nhận tiền thưởng, hàng Tết đã loạn giá

Từ vài ngày qua, giá nhiều loại hàng Tết, nhất là thực phẩm, tại các chợ ở TPHCM, đã biến động mạnh. Dù giới kinh doanh cho biết nguồn cung dồi dào nhưng giá hàng hóa vẫn tăng do tâm lý dịp Tết đang đến. Khảo sát nhiều điểm kinh doanh bia, rượu vào ngày 31-1, chúng tôi ghi nhận mỗi nơi một giá, thậm chí giá tại một số cửa hàng nhỏ lẻ lại thấp hơn các đại lý.

 

Giá bia, rượu nhảy múa

 

Tại một cửa hàng nhỏ lẻ bán bia, nước ngọt trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp - TPHCM), bia Heineken loại thường giá 375.000 đồng/thùng, Heineken loại mới: 380.000 đồng/thùng, bia 333: 205.000 đồng/thùng. Tại một cửa hàng của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, giá bia Heineken là 375.000 đồng/thùng. Thế nhưng, giá bia Heineken, 333 tại nhiều tiệm tạp hóa khác lại cao hơn 10.000 đồng/thùng.

 

Trong khi đó, chủ một đại lý bia ở khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình - TPHCM) thông báo bia 333 có giá 210.000 đồng/thùng, Heineken loại thường: 380.000 đồng/thùng, loại mới: 385.000 đồng/thùng. Chúng tôi thắc mắc vì sao Heineken loại mới đắt hơn loại thường và nếu mua 50 thùng có giảm giá không? Chủ đại lý cho biết do Heineken mới được sản xuất để kỷ niệm 140 năm ra đời thương hiệu này, chất lượng thơm ngon hơn Heineken thường, khách hàng mua với số lượng lớn vẫn không bớt một đồng.

 

Giá bia phức tạp nhưng vẫn không bằng giá các loại rượu. Một số doanh nghiệp (DN) cho biết để nhập khẩu rượu từ nước ngoài, DN phải được tham tán đại sứ quán Việt Nam ở quốc gia đó xác nhận về nguồn gốc, chất lượng của thương hiệu mà họ sẽ mua. Sau đó, DN làm các thủ tục nhập khẩu, dán tem kiểm duyệt trên chai... rồi phân bổ đến các đại lý, cửa hàng chuyên kinh doanh về rượu.

 

Tăng do... tâm lý

 

Chị Trúc, ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM, cho biết mỗi ngày ra chợ gần nhà, chị lại thấy giá nhích thêm một chút, nhất là các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán như củ kiệu, củ hành... Củ kiệu từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; cà rốt, hành tím cũng tăng từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/kg. Một số loại trái cây giá cũng tăng nhẹ so với đầu tuần. "Mọi người bảo từ giờ đến Tết, giá còn tăng nữa nên không ít người đặt trước thịt heo, thịt gà chuẩn bị cho ngày cúng ông Táo. Tôi đặt 2 kg thịt ba rọi mà giá đã là 90.000 đồng/kg trong khi giá ngày thường chỉ 80.000 đồng/kg. Người bán rau củ còn nói không mua, mai mốt sẽ hết hàng" - chị Trúc nói.

 

Không khí mua sắm dịp cận Tết năm nay dù không sôi động bằng những năm trước, sức mua chưa tăng mạnh nhưng người dân đã cảm nhận giá cả ngày càng nhảy múa. Chị Minh, ngụ quận Gò Vấp, cho biết giá các loại cá chép, cá điêu hồng, cua đồng... đều tăng từ 10.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá gà ta thả vườn tăng từ 90.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; trứng vịt, trứng gà các loại dù có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm một số DN làm giá vài tuần trước.

 

Theo một số tiểu thương chợ Cây Xoài (quận 2), giá thịt heo thời điểm này chưa tăng nhiều so với ngày thường nhưng vài ngày tới chắc chắn sẽ tăng vì tâm lý "cứ Tết là tăng giá". Một tiểu thương bán rau củ quả cho biết giá các mặt hàng này đã tăng khoảng 15% so với ngày thường. "Hiện các loại bầu, bí, mướp hương giá tăng khá cao. Mỗi ngày, giá rau củ quả lại nhích thêm một ít" - tiểu thương này cho biết.

 

Khi hỏi về nguồn cung thực phẩm, rau quả Tết, nhiều tiểu thương khẳng định vẫn dồi dào, lấy bao nhiêu hàng cũng có. Vậy tại sao giá vẫn tăng? "Đơn giản là do tâm lý, cận Tết nên các đầu mối lớn đẩy giá lên. Chúng tôi lấy hàng giá cao nên buộc phải bán cao dù sức mua chưa tăng mạnh. Cứ nhìn hàng hóa cuối ngày mà vẫn còn nhiều thế này là biết" - chỉ vào sạp rau củ còn đầy lúc chập tối, anh Nam, một tiểu thương chợ cóc trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2, than thở.


NLĐ

Tin cùng chuyên mục