Chưa khi nào thị trường BĐS khó khăn như hiện nay

(ĐTCK) Đó là nhận xét của ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) về mức độ khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.

Thị trường bất động sản đã trải qua nhiều thăng trầm, ông nhận xét gì mức độ khó khăn của thị trường hiện nay với các đợt biến động trước?

Tôi đã tham gia kinh doanh hơn 40 năm nay, nhưng chưa khi nào thấy thị trường khó khăn như hiện nay. Thị trường bất động sản lên xuống rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ rơi vào tình trạng doanh nghiệp đồng loạt không bán được hàng như bây giờ. Thị trường cũng chưa bao giờ lặng lẽ như lúc này, chỉ có thể dùng từ “không nhúc nhích” mới đúng với trạng thái thị trường.

 

Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản đã được các doanh nghiệp kiến nghị trong hội nghị ngành Xây dựng tổ chức cuối năm qua. Theo ông, ở thời điểm này, doanh nghiệp bất động sản mong muốn có những chính sách mới gì?

Nút thắt của thị trường bất động sản hiện nay là chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ, thắt chặt vốn cho nền kinh tế. Vì thế, chúng tôi mong muốn có những chính sách khai thông vốn, vực dậy nền kinh tế, chứ không phải chỉ để “cứu” bất động sản. Chỉ cần khai thông dòng vốn, có thể tạo ra phản ứng tích cực dây chuyền, giúp các doanh nghiệp chấn chỉnh lại sản xuất, giải quyết nợ nần, ngân hàng giảm nợ xấu.

 

Vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại đưa vốn ra thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, rồi doanh nghiệp lại chạy theo đầu cơ, tạo ra tài sản bong bóng. Ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng, sau một năm 2011 chật vật, đến giờ phút này, cả doanh nghiệp và nhà quản lý đều  được thức tỉnh về mặt trái của nền kinh tế bong bóng nên không nên quá e ngại khả năng này. Còn nếu không được tiếp sức, các doanh nghiệp sẽ đổ vỡ hàng loạt, ngân hàng càng khó khăn hơn, mọi thành quả kinh tế chúng ta đã xây dựng trong hơn chục năm qua sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

 

Nhiều dự đoán cho rằng bất động sản năm 2012 sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá. Các dự án của công ty ông có buộc phải đi theo xu hướng này?

Cần nhìn nhận việc giảm giá trên thị trường BĐS ở 2 góc độ. Thứ nhất, những dự án có lợi thế chi phí đất đai thấp từ trước, giờ đưa ra giá bán thấp một chút, doanh nghiệp vẫn có lãi. Nhóm này tuy vậy rất ít trên thị trường.

Thứ hai, nhóm các dự án mà chủ đầu tư không còn đường nào khác, đành phải bán tháo sản phẩm hòng tìm được lối thoát. Tình trạng “trâu lấm vảy càn” này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư khác trong năm 2012.

Với Công ty tôi, sẽ không có chuyện bán lỗ. Nếu bán cái nhà này đi với giá x đồng, tôi làm được cái nhà khác như thế, thì tôi sẵn sàng bán. Nhưng bán nhà với giá thấp, để rồi làm cái nhà khác không bằng mà giá lại cao hơn thì Công ty tôi không làm vậy.

 

Nhiều dự án siêu khuyến mại thậm chí còn phát tờ rơi quảng cáo bán nhà. Ông có  nhận xét gì về những chiêu thức bán hàng như vậy?

Sản phẩm bất động sản không phải cái quần, cái áo mà nhà sản xuất có thể ra rả quảng cáo cả ngày để khiến khách hàng mua. Những cách làm phản cảm như vậy sẽ khó có tác dụng tốt. Giá thấp không hẳn là lựa chọn khôn ngoan, bởi chắc chắn doanh nghiệp sẽ đưa vật tư thiết bị vào dự án phù hợp với giá cả họ đưa ra. Bên cạnh đó, rất có thể với những doanh nghiệp đang có khó khăn về tài chính, tiền thu của khách hàng dự án này lại bị dùng để bù đắp ở chỗ khác khiến tiến độ dự án không đảm bảo.

 

Ông dự đoán như thế nào về khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài săn dự án giá rẻ của các doanh nghiệp BĐS Việt Nam?

Tôi cho rằng, trong năm 2012, xu hướng này sẽ mở rộng. Người ta không mua dự án mà sẽ tiến hành thâu tóm doanh nghiệp có dự án tốt qua TTCK khi giá cổ phiếu đã quá rẻ như lúc này. Nếu các cơ quan quản lý không sớm nhận thức được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế đất đai tốt sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài với giá thấp.

Anh Việt thực hiện
Anh Việt thực hiện

Tin cùng chuyên mục