Tuy nhiên, thị trường chỉ có thể tăng trong ngắn hạn vì không có yếu tố hỗ trợ đủ mạnh để thúc đẩy (thị trường đã có phiên đảo chiều vào ngày hôm qua, 12/3). Việc suất siêu giúp cân bằng cán cân thanh toán, nhưng cơ cấu xuất nhập khẩu cho thấy đây là dấu hiệu xấu, báo hiệu suy giảm sản xuất, sức tiêu thụ giảm. Tác động gói hỗ trợ lãi suất với nền kinh tế như thế nào cần tiếp tục theo dõi. Các yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường trong tháng 4.
TTCK Mỹ tối hôm thứ Tư (theo giờ Việt Nam) cũng đã dao động sau khi có một phiên tăng mạnh. Phiên tăng mạnh trước đó là do tác động tích cực từ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính, khi các ngân hàng công bố có lãi trong 2 tháng đầu năm. Còn thị trường Việt Nam không có những thông tin nặng ký như vậy. Chỉ có yếu tố tâm lý thị trường được củng cố do những thông tin nhỏ lẻ tích lũy lại sau một thời gian có nhiều thông tin xấu. TTCK ngừng tăng và trong trạng thái "chạy tới chạy lui" là bình thường.
Một số DN công bố mức chia cổ tức lớn giúp cổ phiếu tăng giá và có tính thanh khoản cao, như ACB, nhưng nhìn chung năm nay yếu tố này tác động đến thị trường không nhiều. Tháng 3 mấy năm trước là thời điểm các công ty họp công bố chia cổ tức, cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lớn, nhưng năm nay, tỷ lệ chia thấp hơn, một số công ty đã chia trước từ năm ngoái một phần.
Yếu tố quan trọng với thị trường trong thời gian tới là DN khẳng định kế hoạch lợi nhuận năm 2009. Trong bối cảnh khủng hoảng, NĐT có quyền nghi ngờ về khả năng thực hiện lợi nhuận. Theo tôi, phải đợi đến gần hết quý II, có kết quả lợi nhuận quý I, thì NĐT mới tin vào khả năng thực hiện kế hoạch lợi nhuận của DN. Khi đó, cổ phiếu của những DN làm ăn hiệu quả, cộng với thay đổi tích cực của kinh tế vĩ mô sẽ tăng giá. Còn hiện tại, chưa có dấu hiệu hỗ trợ cho xu hướng tăng dài hạn của thị trường.