Chưa có dấu hiệu dịch bệnh tại châu Âu đã lên tới đỉnh điểm

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Âu cho biết COVID-19 lây lan và cướp đi mạng sống của rất nhiều người tại khắp châu Âu, và chưa có dấu hiệu cho thấy dịch đã lên tới đỉnh điểm.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bordeaux, Tây Nam Pháp ngày 3/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN). Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bordeaux, Tây Nam Pháp ngày 3/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Theo phóng viên TTXVN tại London, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Âu (ECDC) cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan và cướp đi mạng sống của rất nhiều người tại khắp châu Âu, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch tại châu lục này đã lên tới đỉnh điểm.

Báo cáo công bố ngày 8/4 của ECDC nêu rõ số ca tử vong tại châu Âu cao hơn mức dự đoán ở các nước Bỉ, Pháp, Italy, Malta, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh, và chủ yếu rơi vào những người trên 65 tuổi.

ECDC đánh giá dù một số bằng chứng ban đầu từ Italy và Tây Ban Nha cho thấy số lượng người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 đang giảm nhưng "hiện giờ chưa thấy có chỉ dấu nào cho thấy bệnh dịch tại châu Âu đã lên tới đỉnh điểm."

Giám đốc ECDC Andrea Ammon cho biết dựa trên các bằng chứng hiện có và tình hình hiện tại, "nguy cơ virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan là điều có thể xảy ra".

Bà cảnh báo hiện còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa lây lan, trong đó có giãn cách xã hội, dù các biện pháp này có thể gây gián đoạn hoạt động kinh tế và xã hội.

Giám đốc ECDC cũng kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phối hợp từng bước dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội qua đỉnh dịch nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo.

Cùng ngày, văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu nhấn mạnh rằng giờ chưa phải lúc để nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Theo giới chức y tế, hiện là lúc các nước châu Âu cần gia tăng nỗ lực tập thể trong phòng chống dịch bệnh.

Theo dõi biểu đồ báo cáo về số ca tử vong và số ca nhiễm của worldometers.info, châu Âu hiện là điểm nóng của dịch.

Nhiều nước ở "Lục địa Già" liên tục ghi nhận các ca nhiễm mới ở mức 4 con số và tử vong ở mức 3 con số mỗi ngày. Hiện dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng hơn 60.000 người và khiến khoảng 700.000 người nhiễm bệnh tại châu Âu.

Trước tình hình dịch bệnh như vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa sau hạn chót ngày 15/4.

Theo kế hoạch, ông Macron sẽ có bài thông điệp quốc gia tối 9/4 giờ địa phương để thông báo các biện pháp mới chống dịch.

Cùng ngày, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades thông báo gia hạn lệnh phong tỏa đến hết tháng Tư.

Trong một thông điệp trên truyền hình, Tổng thống Anastasiades cho biết: "Nội các đã nhất trí gia hạn tất cả các biện pháp và sắc lệnh (chống dịch) đến ngày 30/4."

Hiện, Cyprus đã đóng cửa mọi trường học, cấm tụ tập và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, trong khi mọi người chỉ được phép ra khỏi nhà một lần trong ngày. Đến nay, đảo này đã ghi nhận 526 ca nhiễm, trong đó có 9 ca tử vong.

Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp cũng đã thông báo các biện pháp bổ sung nhằm tránh nguy cơ dòng người di chuyển từ các trung tâm đô thị đến các vùng nông thôn trong dịp nghỉ lễ Phục sinh sắp tới.

Trước đó, Hy Lạp đã áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 23/3 - 37/4 nhằm kiểm soát dịch. Trong các biện pháp mới, chính phủ cho biết sẽ phạt tới 300 euro đối với mọi đối tượng vi phạm lệnh phong tỏa, và tước bằng lái xe trong 60 ngày.

Chỉ những người có thể chứng minh được có nhà riêng ở ngoài khu vực đô thị mới được phép di chuyển một lần trong thời gian phong tỏa.

Trước đó, từ ngày 23/3 - 8/4, cảnh sát đã ghi 25.422 phiếu phạt với mức tối thiểu là 150 euro. Toàn bộ tiền phạt được chuyển vào hệ thống chăm sóc y tế để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch. Hy Lạp hiện ghi nhận tổng cộng 1.884 ca nhiễm và 83 ca tử vong vì COVID-19.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục